Sự Tha Thứ và Lòng Biết Ơn

Sự Tha Thứ và Lòng Biết Ơn

Vào ngày 9 Tháng Hai, năm 2007, Chris Williams, cha của bốn người con và là một vị giám trợ ở Utah, đưa gia đình ra ngoài ăn tối. Trong khi đi xe về nhà vào cái đêm Thứ Sáu bi kịch đó, một chiếc xe khác đi với vận tốc 97 km/h và do một lái xe say rượu 17 tuổi điều khiển, đâm sầm vào xe của gia đình Williams. Tác động của cuộc va chạm làm chiếc xe của họ xoay vòng đến khi va vào một trụ cầu dưới đường cao tốc. Khi giám trợ Williams bình tĩnh lại, ông nhìn sang và thấy vợ ông, Michelle, người đang mang thai đứa con thứ năm, đã chết cùng với con trai Benjamin và con gái Anna của họ.

Khi giám trợ Williams chờ đợi xe cấp cứu và các nhân viên cứu thương đến hiện trường, ông đã tự nghĩ:

“Bất kỳ ai gây ra điều này cho chúng tôi, tôi đều tha thứ cho họ. Tôi không quan tâm đến hoàn cảnh như thế nào, tôi tha thứ cho họ.”1

Việc học tha thứ cho người khác, đặc biệt là những người làm điều sai trái với chúng ta, là một phần của tiến trình trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi. Nếu chúng ta muốn trở nên giống như Đấng Ky Tô, chúng ta phải cố gắng hết sức để làm giống như những thuộc tính và hành động của Ngài. Đấng Ky Tô bị buộc tội vô cớ, bị kết án một cách bất công, và bị đánh đập tàn bạo. Khi bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” Chúng ta cũng là những người được lợi ích từ bản tính đầy vị tha của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài đã phán: “Bất cứ kẻ nào được báp têm thì sẽ được báp têm để hối cải. Và bất cứ kẻ nào được ngươi tiếp nhận đều sẽ tin nơi danh ta, và kẻ đó sẽ được ta rộng lòng tha thứ” (Mô Si A 26:22).

Để tha thứ giống như Đấng Cứu Rỗi tha thứ, chúng ta phải học yêu thương giống như Ngài yêu thương và nhìn những người khác như Ngài nhìn họ. Thật dễ dàng để yêu thương những người yêu thương chúng ta. Chúa Giê Su đã phán rằng ngay cả kẻ ác cũng có thể làm điều đó. Nhưng Chúa Giê Su đã dạy một luật pháp cao hơn: “Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình” (Ma Thi Ơ 5:44). Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đã nói: “Tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô có thể cất bỏ những cảm nghĩ oán giận và phẫn nộ là những điều ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn sự việc, cho phép chúng ta nhìn những người khác giống như cách Cha Thiên Thượng nhìn chúng ta: chúng ta là những con người trần tục có nhiều khiếm khuyết và không hoàn hảo, là những người có tiềm năng và giá trị vượt quá khả năng tưởng tượng của mình. Vì Thượng Đế yêu thương chúng ta rất nhiều nên chúng ta cũng phải yêu thương và tha thứ cho nhau.”2

Chúng ta “phải yêu thương và tha thứ lẫn nhau.” Việc từ chối tha thứ cho những người khác, không những là một tội lỗi, mà còn là tội lỗi lớn hơn tội lỗi của người có thể đã gây ra cho chúng ta. Chúa đã dạy: “Vậy nên, ta nói cho các ngươi hay, các ngươi phải biết tha thứ cho nhau; vì kẻ nào không biết tha lỗi cho anh em mình thì sẽ bị kết tội trước mặt Chúa; vì kẻ đó còn mắc phải trọng tội hơn. Ta, là Chúa, sẽ tha thứ cho ai mà ta muốn tha thứ, nhưng các ngươi được đòi hỏi phải biết tha thứ tất cả mọi người (GLGƯ 64:9-10).

Để nhận được lòng thương xót, chúng ta phải sẵn lòng để chia sẻ nó (Ma Thi Ơ 5:7). Trong Bài Giảng Trên Núi, Đấng Cứu Rỗi đã dạy: “Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi” (Ma Thi Ơ 6:14-15).

Việc tha thứ cho người khác không nên bị hiểu sai thành việc hành hạ, làm đau, tổn hại, thờ ơ hay bất kỳ hành động xấu nào khác để chuộc lỗi. Việc tha thứ cho những người khác không có nghĩa rằng công lý không áp dụng lên thủ phạm hay người đó nên chịu đựng sự ngược đãi. Tuy nhiên, việc tha thứ cho người khác cho phép chúng ta chỉ trở thành nạn nhân một lần thôi.

Trong bài nói chuyện về sự tha thứ, Chủ tịch Gordon B. Hinckley đã nói: “Tôi nghĩ rằng có thể đó là đức tính cao quý nhất trên thế gian, và chắc chắn là đức tính cần thiết nhất. Có rất nhiều điều đê tiện và lạm dụng, cố chấp và căm thù. Cần có rất nhiều sự hối cải và tha thứ. Đó là nguyên tắc tuyệt vời mà đã được nhấn mạnh trong tất cả mọi thánh thư, cả thời xưa lẫn thời nay.”3

Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi không chỉ giúp chúng ta được tha thứ, mà Sự Chuộc Tội cũng giúp chúng ta tha thứ cho những người khác. Khi kể về tai họa mà gia đình Willliams đã chịu đựng, Anh cả Dallin H. Oaks nói: “Chris Williams đã dựa vào đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô để tha thứ cho người lái xe say rượu, làm tử thương người vợ và hai đứa con của anh. Chỉ hai ngày sau khi thảm cảnh xảy ra, và tuy vẫn còn đau buồn, nhưng người đàn ông đầy lòng tha thứ này, lúc ấy đang phục vụ với tư cách là một vị giám trợ của chúng ta, đã nói: ‘Là một môn đồ của Đấng Ky Tô, tôi không có sự lựa chọn nào khác.’”4 Khi chúng ta thấy khó để tha thứ cho người khác, chúng ta có thể cầu xin Thượng Đế ban cho chúng ta sức mạnh để làm vậy. Cũng giống như Ngài muốn tha thứ cho chúng ta, Ngài muốn giúp chúng ta tha thứ cho những người khác.

Chú thích: Anh Cả Alvin F. Meredith, III


Ghi Chú

1 Deseret News, ngày 8 Tháng Tư năm 2013.

2 Dieter F. Uchtdorf, “Những Kẻ Có Lòng Thương Xót Sẽ Được Thương Xót,” Liahona, tháng Năm năm 2012, 76.

3 Gordon B. Hinckley, “Sự Tha Thứ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, 81.

4 Dallin H. Oaks, “Những Tín Đồ của Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2013, 98.