Ngày Sa Bát và Tìm Thấy Niềm Vui với Sự Cải Đạo Suốt Đời

Elder Zeno Chow

Một trong những sinh hoạt ưa thích của tôi là nhìn các cháu của tôi chơi và cùng chơi với chúng. Khi tôi nhìn chúng chơi, việc đó đã gợi lại trong tôi một số những kỷ niệm tuổi thơ. Có một trò chơi mà luôn luôn gắn liền với tôi trong suốt những năm niên thiếu. Vào lúc bấy giờ, trò chơi đó dường như là điều quan trọng nhất để làm. Tôi nhận thấy rằng dù trò chơi có vui đến mức nào hoặc tôi có thích trò chơi đó bao nhiêu đi nữa thì nó cũng trở thành một điều xao lãng đối với tôi. Nó làm cho tôi mất tập trung vào những sự việc quan trọng, chẳng hạn như việc học hành của tôi.

Thật ra, có nhiều khía cạnh của cuộc sống trần thế là những điều tốt, và đòi hỏi nhiều thời giờ, tài năng và sức lực của chúng ta để có thể được thành công. Những điều này có thể gồm có nghề nghiệp, học vấn, những thói quen, những môn thể thao, hoặc sở thích của chúng ta, và vân vân. Chúng đều có thể trở thành những điều làm chúng ta xao lãng khỏi việc đạt được những mục tiêu tối quan trọng là chuẩn bị bản thân mình và gia đình mình để trở về căn nhà thiên thượng của chúng ta.

Ngày Sa Bát

Ngày Sa Bát là một ân tứ từ Thượng Đế. Cách chúng ta tôn trọng ngày Sa Bát là dấu hiệu về mức độ yêu thương và tận tụy của chúng ta dành cho Chúa.

Chủ Tịch Russell M. Nelson dạy rằng “khi các tín hữu của chúng ta vâng theo Sự Tôn Trọng Ngày Sa Bát, thì họ sẽ được ban phước một cách dồi dào, và gia tăng khả năng của cá nhân họ để tuân giữ tất cả các giáo lệnh.”[1]

Chúa đã ban cho chúng ta Ngày Sa Bát để chúng ta tránh khỏi tì vết của thế gian (GLGƯ 59:9), hay nói cách khác—tránh xa khỏi tất cả những điều làm xao lãng; như vậy sẽ cho phép chúng ta tập trung vào những sự việc có ý nghĩa vĩnh cửu.

Tiệc Thánh

Trước tiên và quan trọng nhất, chúng ta được truyền lệnh phải dự phần tiệc thánh mỗi tuần. Tiệc Thánh tập trung vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Sự hiến dâng duy nhất mà Chúa đòi hỏi ở chúng ta là “một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối” (GLGƯ 59:8). Lòng chúng ta đau khổ bởi vì nỗi đau đớn và thống khổ mà Chúa đã phải chịu đựng để chúng ta “khỏi đau khổ nếu [chúng ta] chịu hối cải;” (GLGƯ 19:16-18). Tâm hồn chúng ta thống hối vì những tội lỗi và yếu kém của mình. Cảm giác hối hận này cùng với tình yêu thương của Thượng Đế sẽ mang đến cho chúng ta sức mạnh để khắc phục những tội lỗi và yếu kém của mình.

Khi Tiệc Thánh đang được thực hiện, chúng ta có thể tự hỏi: “còn thiếu chi cho tôi nữa?” (Ma Thi Ơ 19:20). Nếu chúng ta thành thật và chân thành, Thánh Linh sẽ thì thầm cho chúng ta biết tội lỗi cụ thể nào cần phải hối cải hoặc sự yếu điểm nào cần phải cải thiện.

Sự hối cải – Một Sự Tìm Kiếm Suốt Đời

Sự hối cải không chỉ dành cho những người phạm phải những tội lỗi trầm trọng. Sự hối cải cũng là một tiến trình cải thiện và tôi luyện đối với chúng ta để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi. Chủ Tịch Hoggan của Giáo Khu San Jose California nhắc nhở các thánh hữu rằng khi chúng ta hối cải từ những tội lỗi trầm trọng, chúng ta có thể không phải luôn luôn cần có sự thay đổi 180 độ; tuy nhiên, chúng ta có thể kiên định cải thiện ở mức 10 độ, 3 độ, hoặc thậm chí 1 độ để có thể trở nên giống Đấng Ky Tô hơn.[2]

Chúa truyền lệnh cho chúng ta phải “được toàn hảo như [Ngài], hay như Cha [chúng ta] trên trời là toàn hảo vậy (3 Nê Phi 12:48).”

Sứ Đồ Phi E Rơ dạy chúng ta rằng để có thể trở nên “người dự phần bản tánh Đức Chúa Trời, … [chúng ta cần phải] gắng hết sức,” để có thể đạt được những phẩm chất đức hạnh. Phi E Rơ dạy thêm rằng: “nhưng ai thiếu những điều đó, thì thành ra người cận thị, người mù; quên hẳn sự làm sạch tội mình ngày trước … (2 Phi E Rơ 1:4-9).” Nếu không phát triển những phẩm chất đức hạnh này, thì chúng ta chưa sẵn sàng để trở về căn nhà thiên thượng của mình. Khi chúng ta cố gắng khắc phục những yếu kém của mình và trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn, chúng ta có thể cảm thấy nản lòng và không thích đáng. Anh Cả Jeffrey R. Holland khuyến khích chúng ta rằng:

            “Xin hãy nhớ … rằng Chúa ban phước cho những người muốn cải thiện, là những người chấp nhận sự cần thiết phải có các giáo lệnh và cố gắng tuân giữ các giáo lệnh, là những người quý trọng các đức hạnh giống như Đấng Ky Tô và cố gắng hết sức để đạt được các đức hạnh này. Nếu các anh chị em thất bại trong nỗ lực đó, ai cũng vậy; thì Đấng Cứu Rỗi sẽ ở cạnh bên để giúp các anh chị em tiếp tục cố gắng. Nếu các anh chị em thất bại hãy cầu xin Ngài thêm sức. Hãy kêu lên như An Ma: “Hỡi Chúa Giê Su, … xin Ngài hãy thương xót con.” (An Ma 36:18). Ngài sẽ giúp các anh chị em cố gắng một lần nữa. Ngài sẽ giúp các anh chị em hối cải, sửa đổi, sửa chữa lại bất cứ điều gì mình cần phải sửa chữa, và tiếp tục cố gắng. Cuối cùng các anh chị em sẽ được thành công với những điều mình tìm kiếm.”[3]

Với sự bảo đảm như vậy, chúng ta cần tuân theo lời khuyên của Anh Cả Yoon Hwan Choi “Hãy nhìn lên” Chúa để có được sức mạnh nhằm khắc phục những yếu kém của mình thay vì “Nhìn quanh”[4] vào những yếu kém của những người khác. Với lòng khiêm nhường và hiền dịu, Chúa sẽ “làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với [chúng ta].” (Ê The 12:27)

Tôi làm chứng rằng Thượng Đế hằng sống, Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, và ân điển của Ngài là đủ cho tất cả những ai đến cùng Ngài. Cầu xin cho tất cả chúng ta đều bắt tay vào công cuộc tìm kiếm này để trở nên giống như Chúa và Đấng Cứu Rỗi, chính là Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.



[1] Russell M. Nelson, “Strengthen the Shepherds”, Buổi họp Giới Lãnh Đạo trong Đại Hội Trung Ương, 28 tháng Chín năm 2016.

[2] William Hoggan, Đại Hội Tiểu Giáo Khu Willow Glen, 26 tháng Ba năm 2017.

[3] Jeffrey R. Holland, “Ngày Mai Đức Giê Hô Va Sẽ Làm Những Việc Lạ Lùng Giữa Các Nguoiw”, Đại Hội Trung Ương, tháng Tư năm 2016.

[4] Yoon Hwan Choi, “Đừng Nhìn Quanh mà Hãy Nhìn Lên!”, Đại Hội Trung Ương, tháng Tư năm 2017.