Khi Chúng Ta Chạm Vào Đền Thờ,  Thì Đền Thờ Sẽ Chạm Vào Đến Chúng Ta

Khi Chúng Ta Chạm Vào Đền Thờ,  Thì Đền Thờ Sẽ Chạm Vào Đến Chúng Ta

Tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta đều sẽ có cơ hội được đi đến đền thờ để nhận các giáo lễ cứu rỗi thiết yếu và tham gia vào công việc cứu rỗi cho tổ tiên của chúng ta. Khi các anh chị em đến đền thờ, các anh chị em sẽ thấy một tòa nhà lớn và sạch sẽ. Các anh chị em sẽ đi giữa khuôn viên vườn hoa của đền thờ với những đóa hoa rực rỡ sắc màu, nhiều cây cối tươi tốt, và những bãi cỏ xanh mát đẹp đẽ. Các anh chị em sẽ đọc thấy dòng chữ “Thánh cho Chúa - Ngôi Nhà của Chúa” ngay phía trên cửa ra vào của đền thờ. Chắc chắn các anh chị em sẽ không quên chụp hình đền thờ! Nhưng điều quan trọng nhất là các anh chị em sẽ chạm vào đền thờ. Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy: “Khi chúng ta chạm vào đền thờ, thì đền thờ sẽ chạm vào chúng ta.” Việc để cho đền thờ ảnh hưởng đến chúng ta rất quan trọng để có một kinh nghiệm thuộc linh khi các anh chị em bước vào đền thờ và sau khi các anh chị em về nhà. Sau đây là ba nguyên tắc từ các kinh nghiệm cá nhân của tôi để giúp các anh chị em được đền thờ ảnh hưởng.

Học Tập Thánh Thư

Tự học thánh thư

Năm 1836, Joseph Smith đã cung hiến đền thờ Kirtland. Trong lời cầu nguyện cung hiến, ông đã nói, “Và cầu xin Ngài, hỡi Đức Chúa Cha Thánh Thiện, rằng tất cả những ai đến thờ phượng trong ngôi nhà này đều có thể được giảng dạy những lời thông sáng trong những sách hay nhất, và rằng họ có thể học hỏi bằng sự tìm hiểu, và bằng đức tin, như Ngài đã phán;”. Chủ Tịch Boyd K. Packer đã mô tả đền thờ là một ngôi nhà của sự học hỏi. Thượng Đế đã chuẩn bị các đền thờ để giảng dạy chúng ta về kế hoạch của Ngài dành cho chúng ta, và để giúp chúng ta học cách sống theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô nhiều hơn. Ở trong đền thờ, các anh chị em sẽ được giảng dạy theo cách của Thượng Đế. Cho nên, để chuẩn bị được giảng dạy theo cách của Ngài, các anh chị em cần phải học hỏi lời của Ngài trong những sách hay nhất, tức là các thánh thư.

Khi tôi chuẩn bị đi đền thờ lần đầu tiên, Vị Giám Trợ của tôi đã chia sẻ với tôi rằng chúng ta học hỏi về kế hoạch cứu rỗi trong đền thờ. Vì thế, để chuẩn bị, tôi nên học tập về kế hoạch cứu rỗi trong các thánh thư. Tôi muốn mời các anh chị em học tập về đền thờ và về kế hoạch cứu rỗi trước khi các anh chị em đến đền thờ. Sau đây là bốn tài liệu tham khảo các anh chị em có thể sử dụng để bắt đầu việc học tập của mình.

1. Mục “Đền Thờ, Nhà của Chúa” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư

2. “Được Ban Cho Quyền Năng từ Trên Cao: Sách Học của Lớp Giáo Lý Chuẩn Bị Đi Đền Thờ dành cho Giảng Viên”, Chương 1, trang 3-6, có trong phần các tài liệu của trang lds.vn

3. “Chuẩn Bị Bước Vào Đền Thờ Thánh”, có trong phần các tài liệu của trang lds.vn

4. “Các Đền Thờ” Tạp Chí Liahona, tháng Mười năm 2010; có thể được mua trên store.lds.org.

Tất cả các tài liệu này có thể được tìm thấy trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm dành cho điện thoại thông minh.

Các Anh Chị Em Có Thể Chọn Cách Kinh Nghiệm Này S Xảy Ra Như Thế Nào

Chủ Tịch Boyd K. Packer đã nói: “Những gì chúng ta nhận được từ đền thờ phần lớn sẽ tùy thuộc vào những gì chúng ta mang vào đền thờ”. Đây là một nguyên tắc mà chúng ta thấy trong suốt đời mình. Nếu các anh chị em đến đền thờ một cách xứng đáng và với lòng đầy ánh sáng, thì đền thờ sẽ ảnh hưởng các anh chị em rất nhiều. Nếu chúng ta đến đền thờ với một câu hỏi và đức tin thì chúng ta đã được chuẩn bị để nhận câu trả lời tại đó. Nhưng nếu các anh chị em đến đền thờ một cách không xứng đáng hay là các anh chị em không chuẩn bị, thì những phước lành và kinh nghiệm của các anh chị em sẽ bị hạn chế. Các anh chị em có khả năng chọn để chuẩn bị hay không chuẩn bị.

Sau khi trở về nhà từ công việc phục vụ trọn thời gian tại Houston, Texas, tôi đã gặp phải rất nhiều khó khăn và thử thách. Tôi không biết tương lai mình sẽ ra sao nhưng tôi cảm thấy cám dỗ bao trùm xung quanh và không ngừng lôi kéo tôi. Tôi cảm thấy rằng Chúa đã quên tôi. Mấy tuần sau, tôi quyết định đi đền thờ với một niềm hy vọng rằng tôi sẽ cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế. Trước khi đi đền thờ, tôi đã nhịn ăn, đọc thánh thư, và cầu nguyện lên Ngài. Khi tôi bước vào đền thờ vào ngày hôm đó, tôi không cảm thấy được điều gì đã thay đổi. Nhưng, từ từ, khi tôi tham gia vào các giáo lễ trong đền thờ, tôi đã cảm nhận được tình yêu thương bao la của Cha Thiên Thượng dành cho tôi. Và khi tôi ngồi trong phòng thượng thiên, tôi đã khóc và cầu nguyện với lòng biết ơn.

Lịch Sử Gia Đình và Công Việc Đền Thờ

Sau khi các anh chị em nhận được các giáo lễ đền thờ, các anh chị em sẽ có cơ hội thực hiện các giáo lễ này thay cho những người đã qua đời, đặc biệt là tổ tiên của các anh chị em. Chủ Tịch Howard W. Hunter đã dạy:

“Chúng ta cần phải thực hiện công việc giáo lễ đền thờ của chức tư tế cho sự tôn cao của mình; rồi chúng ta cần phải làm công việc cần thiết cho những người không có cơ hội để chấp nhận Phúc Âm khi còn sống. Công việc làm thay này cho những người khác được thực hiện trong hai giai đoạn: trước nhất, qua việc sưu tầm lịch sử gia đình để xác định tổ tiên của chúng ta; và thứ hai, bằng cách thực hiện các giáo lễ đền thờ để mang đến cho họ cùng các cơ hội được ban cho người sống.

Lịch Sử Gia Đình

Tuy nhiên có nhiều tín hữu của Giáo Hội chỉ có phương tiện giới hạn để tiếp cận với đền thờ. Họ làm hết khả năng của họ. Họ làm công việc sưu tầm lịch sử gia đình và nhờ những người khác làm công việc giáo lễ đền thờ. Ngược lại, có một số tín hữu tham dự công việc đền thờ nhưng không sưu tầm lịch sử gia đình cho dòng dõi gia đình của mình. Mặc dù họ làm công việc phục vụ thiêng liêng bằng cách phụ giúp những người khác, nhưng họ mất một phước lành khi không tìm kiếm những người thân đã qua đời của họ như đã được các thánh tiên tri ngày sau chỉ bảo.

“Tôi biết được rằng những người tham gia vào việc sưu tầm lịch sử gia đình và rồi thực hiện công việc giáo lễ đền thờ cho những người mà họ đã tìm ra tên sẽ biết thêm niềm vui của việc nhận được cả hai nửa của phước lành này.”

Tôi biết khi chúng ta làm công việc đền thờ cho tổ tiên của mình, chúng ta sẽ có được một tình yêu thương sâu sắc hơn dành cho gia đình của chúng ta và kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế.

Hãy Luôn Luôn Chuẩn Bị Đi Đến Đền Thờ

Tuy hiện tại việc đến đền thờ là một thử thách, nhưng các anh chị em được khuyến khích luôn luôn tập trung vào đền thờ và công việc mà các anh chị em có thể thực hiện ở đó. Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đã dạy:

“Đối với những người không thể tham dự đền thờ bây giờ vì bất cứ lý do nào đó thì tôi khuyến khích các anh chị em phải hết sức cố gắng để nắm giữ một giấy giới thiệu đi đền thờ có hiệu lực. Giấy giới thiệu đi đền thờ là một biểu tượng về lòng trung tín và quyết tâm của chúng ta để phục vụ Chúa. Đó là một biểu tượng về tình yêu mến của chúng ta đối với Chúa vì như Chúa Giê Su đã dạy: “Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta; người nào yêu mến ta sẽ được Cha ta yêu lại, ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết ta” (Giăng 14:21).”

Taiwan temple

Tôi biết đền thờ là ngôi nhà của Thượng Đế. Tôi biết rằng nếu các anh chị em chuẩn bị bước vào đền thờ thì đền thờ sẽ ảnh hưởng đến các anh chị em, và các anh chị em sẽ trở về nhà với một chứng ngôn mạnh mẽ hơn nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài.


 Gary E. Stevenson, “Sacred Homes, Sacred Temples,” Liahona, tháng Tư năm 2009.

 GLGƯ 109:14

 Boyd K. Packer, “Chuẩn Bị Bước Vào Đền Thờ Thánh,” 2002, trang 8.

 Ê Sai 55:9, “Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.”

 “Tôi khuyên nhủ các tín hữu đi đền thờ lần đàu tiên nên đọc những mục trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư nói về đền thờ, như “Chuộc Tội,” “Giao Ước,” “Sự Hy Sinh” và “Đền Thờ.” Một người cũng có thể muốn đọc Xuất Ê Díp Tô Ký, các chương 26-29, và Lê Vi Ký, chương 8. Kinh Cựu Ước, cũng như sách Môi Se và Áp Ra Ham trong Trân Châu Vô Giá, nhấn mạnh đến tình trạng cổ xưa của công việc đền thờ và tính chất vĩnh viễn của các giáo lễ đền thờ.” Russell M. Nelson, “Chuẩn Bị cho Các Phước Lành của Đền Thờ,” Liahona, tháng Mười năm 2010.

 Boyd K. Packer, “Chuẩn Bị Bước Vào Đền Thờ Thánh,” 2002, trang 12.

 Richard G. Scott, “Niềm Vui Cứu Chuộc Người Chết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012.

 Dieter F. Uchtdorf, “Các Phước Lành của Đền Thờ,” Liahona, tháng Tám năm 2010.