Tại Sao Chúng Ta Cần Chúa Giê Su Ky Tô

Từ một bài nói chuyện trong buổi họp đặc biệt “Một Sứ Điệp vào Lễ Giáng Sinh,” được đưa ra tại trường Brigham Young University vào ngày 12 tháng Mười Hai, năm 2017.

Bài của Anh Cả D. Todd Christofferson
Bài của Anh Cả D. Todd Christofferson Thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ
Adoration of the Shepherds (Sự Tôn Thờ của Những Người Chăn Chiên), tranh do Michelangelo Merisi da Caravaggio họa, Bridgeman Images
Adoration of the Shepherds (Sự Tôn Thờ của Những Người Chăn Chiên), tranh do Michelangelo Merisi da Caravaggio họa, Bridgeman Images

Tôi biết ơn rằng, ngoài lễ Giáng Sinh ra, tháng Mười Hai còn là dịp để tưởng nhớ đến cuộc đời và những công lao của Tiên Tri Joseph Smith, vì ngày sinh nhật của ông là ngày 23 tháng Mười Hai. Thật khó để cảm kích trọn vẹn điều ông đã làm với tư cách là một công cụ trong tay Chúa giữa một bối cảnh liên tục bị chống đối, ngược đãi, và thử thách. Trong tương lai, chúng ta sẽ thấy Tiên Tri Joseph được tôn vinh là người lãnh tụ xứng đáng của gian kỳ vĩ đại và cuối cùng này—gian kỳ cuối cùng được định sẵn để thành công ngay cả khi mọi gian kỳ trước đó đều kết thúc trong sự bội giáo.

Sự phiên dịch và xuất bản Sách Mặc Môn là một thành tựu nổi bật và là nền tảng cho thành công trong công việc của Chúa ở gian kỳ cuối cùng này. Qua Sách Mặc Môn và những khải tượng cùng sự mặc khải của mình, Joseph đã tỏ rõ Chúa Giê Su Ky Tô cho kỷ nguyên hiện đại này thấy được thiên tính thật sự của Ngài là Con Trai Độc Sinh của Thượng Đế và Đấng Cứu Chuộc cho nhân loại.

Đặc biệt vào mùa lễ này, chúng ta nhớ đến mối quan hệ cá nhân của vị Tiên Tri với Đấng Cứu Rỗi và “chứng ngôn, gần đây nhất trong tất cả các chứng ngôn, mà [ông nói] về [Đấng Ky Tô]: Rằng Ngài hằng sống!” (Giáo Lý và Giao Ước 76:22). Lời chứng của Joseph về Đấng Ky Tô hằng sống nhắc tôi nhớ đến lời tuyên bố của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley (1910–2008): “Sẽ chẳng có lễ Giáng Sinh nếu không có lễ Phục Sinh. Hài nhi Giê Su của thành Bết Lê Hem sẽ chỉ như bao em bé khác nếu không có sự cứu chuộc của Đấng Ky Tô ở vườn Ghết Sê Ma Nê và Đồi Sọ, và sự thật đầy vinh quang của Sự Phục Sinh.”

Tại Sao Chúng Ta Cần Chúa Giê Su Ky Tô?

Trước đây, một người là tín hữu của Giáo Hội trong nhiều năm đã hỏi tôi: “Tại sao tôi cần Chúa Giê Su Ky Tô? Tôi tuân giữ các giáo lệnh; tôi là một người tốt. Tại sao tôi cần một Đấng Cứu Rỗi?” Tôi phải nói rằng sự thất bại của người tín hữu ấy khi không hiểu được phần cốt lõi nhất này trong giáo lý của chúng ta, yếu tố nền tảng này trong kế hoạch cứu rỗi, đã khiến tôi vô cùng sửng sốt.

“Vâng, để bắt đầu,” tôi đã trả lời, “thì có một vấn đề nhỏ là cái chết. Tôi cho rằng anh không muốn cái chết là trạng thái cuối cùng của anh, và khi không có Chúa Giê Su Ky Tô thì cũng sẽ chẳng có sự phục sinh.”

Tôi đã nói về những điều khác, như là sự cần thiết rằng ngay cả những người tốt nhất cũng cần có sự tha thứ và thanh tẩy mà chỉ có thể có được qua ân điển chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi.

Tuy nhiên, ở một mức độ khác, câu hỏi có thể là: “Chẳng lẽ Thượng Đế không thể làm bất kỳ điều gì Ngài muốn và cứu chúng ta bởi vì Ngài yêu thương chúng ta, mà không cần đến một Đấng Cứu Rỗi sao?” Với cách hỏi này, có lẽ khá nhiều người trong thế giới ngày nay sẽ đồng tình. Họ tin ở Thượng Đế và sự tồn tại tiền dương thế, nhưng cho rằng bởi vì Thượng Đế yêu thương chúng ta, thì điều chúng ta làm hay không làm cũng chẳng quan trọng mấy; Ngài vẫn có thể lo liệu được.

Triết lý này có nguồn gốc từ xa xưa. Ví dụ, Nê Hô “đã làm chứng với dân chúng rằng tất cả nhân loại sẽ được cứu vào ngày sau cùng, và họ không cần phải kinh hãi hay run sợ gì cả, trái lại, họ có thể ngẩng đầu lên mà vui mừng; vì Chúa đã sáng tạo ra tất cả mọi người và cũng đã cứu chuộc tất cả mọi người; và cuối cùng là tất cả mọi người sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu” (An Ma 1:4).

Anh chị em nhận ra giáo lý của Nê Hô được lặp lại một cách thức có được sự cứu rỗi do Lu Xi Phe, “con trai của ban mai,” đưa ra, hắn chắc chắn là kẻ đau khổ nhất trong số những kẻ đau khổ trước giờ (Ê Sai 14:12; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 76:25–27). Như Thượng Đế từng giải thích, Lu Xi Phe “cũng là kẻ từ lúc khởi thủy, và nó đã đến trước mặt ta mà nói rằng—Này, tôi đây, xin phái tôi đi, tôi sẽ là con trai của Ngài, và tôi sẽ cứu chuộc tất cả nhân loại, khiến cho không một linh hồn nào sẽ bị thất lạc, và chắc chắn tôi sẽ làm được điều đó; vậy nên xin ban sự vinh hiển của Ngài cho tôi

“Nhưng, này, Con Trai Yêu Dấu của ta, tức là Kẻ Được Yêu Dấu và Được Chọn Lựa từ lúc khởi thủy, nói với ta rằng—Thưa Cha, xin ý Cha sẽ được nên và vinh quang sẽ thuộc về Cha mãi mãi” (Môi Se 4:1–2).

Đây không đơn giản là việc Chúa Giê Su ủng hộ kế hoạch của Đức Chúa Cha và Lu Xi Phe đề xuất một sửa đổi không đáng kể. Đề xuất của Lu Xi Phe có thể phá hỏng kế hoạch bằng cách loại bỏ cơ hội của chúng ta để hành động một cách độc lập. Kế hoạch của Lu Xi Phe dựa trên sự ép buộc, làm cho tất cả các con trai và con gái khác của Thượng Đế — tất cả chúng ta — về bản chất, trở thành con rối của hắn. Như Đức Chúa Cha đã tóm tắt:

“Vậy nên, vì Sa Tan phản nghịch chống lại ta, và tìm cách hủy diệt quyền tự quyết của loài người, là quyền được ta, Đức Chúa Trời, ban cho, và cũng muốn ta ban cho nó quyền năng của ta; nên bởi quyền năng của Con Độc Sinh của ta, ta khiến nó phải bị ném xuống;

“Và nó trở thành Sa Tan, phải, tức là quỷ dữ, cha đẻ của mọi lời dối trá, để lừa gạt và làm mù quáng con người, và dẫn dắt họ vào cảnh tù đày theo ý muốn của nó, đó là tất cả những người không muốn nghe theo tiếng nói của ta” (Môi Se 4:3–4; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Trái lại, việc làm theo cách của Cha Thiên Thượng mang đến cho chúng ta kinh nghiệm trần thế cần thiết. Khi nói “kinh nghiệm trần thế,” ý tôi là việc chọn đường lối của chúng ta, là “[nếm] mùi cay đắng, để [chúng ta] hiểu giá trị của điều thiện”  (Môi Se 6:55); học hỏi, hối cải, và phát triển, trở thành những người có khả năng để tự hành động thay vì chỉ “bị tác động” (2 Nê Phi 2:13); và cuối cùng vượt qua cái ác và cho thấy ước muốn cùng khả năng của chúng ta để sống theo luật pháp thượng thiên.

Việc này đòi hỏi về phần chúng ta một sự hiểu biết về điều thiện và điều ác, với khả năng và cơ hội để chọn lựa giữa hai bên. Và nó đòi hỏi sự chịu trách nhiệm với những lựa chọn đã đưa ra — nếu không thì chúng không thật sự là những sự lựa chọn. Đổi lại, sự lựa chọn đòi hỏi luật pháp, tức là các kết quả có thể đoán trước. Chúng ta có khả năng tạo ra một kết quả cụ thể bởi một hành động hoặc lựa chọn cụ thể của mình — và bởi lựa chọn đối lập mà tạo ra kết quả đối lập. Nếu những hành động không có các hậu quả cố định, thì một hành động chẳng thể chi phối kết quả, và sự lựa chọn trở nên vô nghĩa.

One by One (Từng Người Một), tranh do Walter Rane họa
One by One (Từng Người Một), tranh do Walter Rane họa

Luật Pháp và Công Lý

Khi sử dụng công lý như một biểu tượng cho luật pháp, An Ma đã nói: “Này, việc làm của công lý [tức là sự thi hành luật pháp] không thể nào bị hủy diệt được; nếu việc ấy xảy ra như vậy thì Thượng Đế sẽ không còn là Thượng Đế nữa” (An Ma 42:13). Đây chính là sự hiểu biết hoàn hảo của Ngài, và việc sử dụng luật pháp — hay nói cách khác, công lý của Ngài — đã cho Thượng Đế có quyền năng của Ngài. Chúng ta cần công lý của Thượng Đế, một hệ thống các luật pháp cố định và bất biến mà chính Ngài cũng phải tuân theo và thi hành, để cho chúng ta có thể có được và sử dụng quyền tự quyết. Công lý này là nền tảng của sự tự do của chúng ta để hành động và là con đường duy nhất của chúng ta dẫn đến hạnh phúc tột bậc.

Chúa phán với chúng ta: “Những gì được luật pháp chi phối thì cũng được luật pháp bảo tồn và được luật pháp ấy làm cho hoàn hảo và thánh hóa”  (Giáo Lý và Giao Ước 88:34). Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng không ai trong chúng ta lúc nào cũng “được luật pháp chi phối.” Và chúng ta thật sự không thể mong chờ luật pháp hay công lý bảo tồn và làm chúng ta hoàn hảo khi mà chúng ta vi phạm luật pháp (xin xem 2 Nê Phi 2:5). Vì thế, để vừa công bằng mà cũng vừa được thúc đẩy bởi tình yêu thương, Cha Thiên Thượng của chúng ta đã tạo ra lòng thương xót. Ngài làm như vậy bằng cách hiến Con Trai Độc Sinh của Ngài làm của lễ chuộc tội cho chúng ta, là một Đấng vô tội, mà với Sự Chuộc Tội của Ngài, làm thỏa mãn công lý vì chúng ta, giúp chúng ta hòa hợp với luật pháp để mà luật pháp một lần nữa hỗ trợ và bảo tồn chúng ta, chứ không kết án chúng ta. An Ma giải thích rằng:

“Và này, kế hoạch thương xót không thể được mang lại nếu sự chuộc tội không được thực hiện; vậy nên, chính Thượng Đế sẽ chuộc tội lỗi cho thế gian, để mang lại kế hoạch thương xót, và để thỏa mãn sự đòi hỏi của công lý, ngõ hầu Thượng Đế mới có thể là một Thượng Đế hoàn hảo, công bình, và cũng là một Thượng Đế đầy lòng thương xót. …

“Nhưng luật pháp đã được ban hành, sự trừng phạt [tức các hậu quả] đã được ấn định, và sự hối cải đã được ban cho; và lòng thương xót đòi hỏi sự hối cải này; nếu không thì công lý đòi hỏi loài người và thực thi luật pháp, và luật pháp gia hình sự trừng phạt; nếu không phải như vậy thì công lý sẽ bị hủy diệt và Thượng Đế sẽ không còn là Thượng Đế nữa.

“Nhưng Thượng Đế lúc nào cũng vẫn là Thượng Đế, và sự thương xót đòi hỏi những kẻ ăn năn, và sự thương xót sẽ nhờ sự chuộc tội mà đến” (An Ma 42:15, 22–23).

Những kẻ ăn năn, dĩ nhiên, là những người gánh lấy trách nhiệm và chấp nhận lòng thương xót của Ngài qua việc hối cải. Hoặc, nói cách khác, hối cải là điều chúng ta làm để có được ân tứ quý báu của sự tha thứ mà Cha Thiên Thượng công bình có thể ban cho chúng ta bởi vì Con Trai Yêu Dấu của Ngài đã chuộc tội lỗi cho chúng ta.

Christ Praying in the Garden of Gethsemane (Đấng Ky Tô đang Cầu Nguyện trong Vườn Ghết Sê Ma Nê), tranh do Hermann Clementz họa
Christ Praying in the Garden of Gethsemane (Đấng Ky Tô đang Cầu Nguyện trong Vườn Ghết Sê Ma Nê), tranh do Hermann Clementz họa

Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô

Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể hồi phục sau những lựa chọn sai. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta được đền bù cho những ảnh hưởng lên chúng ta mà đến từ những tội lỗi và sai lầm của người khác, và mọi sự bất công khác. Để được lành lặn, và để được nên thánh, chúng ta cần một Đấng Cứu Rỗi. Vì thế, câu trả lời cho câu hỏi của chúng ta là: “Không, Thượng Đế không thể hành động theo bất cứ cách nào Ngài muốn để cứu một người đâu. Ngài không thể vừa tùy hứng mà vừa công bình. Và nếu Ngài không công bình, thì Ngài không còn là Thượng Đế nữa.” Do đó, sự cứu rỗi và sự tôn cao chỉ đạt được trong một cách thức mà đề cao và tuân thủ theo luật pháp bất biến, theo công lý. Và tạ ơn Thượng Đế, Ngài đã đề cao công lý bằng cách cung ứng một Đấng Cứu Rỗi.

Hãy lưu ý rằng trong đại hội đồng tiền dương thế, Lu Xi Phe đã không tình nguyện làm người cứu rỗi cho chúng ta. Hắn không hào hứng với việc chịu đau khổ hoặc phải chết hay phải đổ bất kỳ giọt máu nào thay cho chúng ta. Hắn không tìm cách trở thành hiện thân của công lý mà chỉ muốn trở thành một luật pháp cho bản thân hắn. Đây là ý kiến của tôi, khi nói với Đức Chúa Cha “xin ban sự vinh hiển của Ngài cho tôi” (Môi Se 4:1), Lu Xi Phe đang có ý nói: “Hãy cho tôi quyền cai trị,” ngụ ý sử dụng quyền lực một cách điên rồ. Luật pháp sẽ là bất kỳ điều gì hắn nói ra vào bất cứ lúc nào. Trong trường hợp đó, thì không ai có thể hành động một cách độc lập. Lu Xi Phe sẽ là kẻ tối cao, và không ai khác có thể cao hơn hắn.

Trái ngược lại, Chúa Giê Su đã hiểu rằng cả công lý bất biến và lòng thương xót đều cần cho các anh chị em của Ngài để tiến triển. Cùng với Đức Chúa Cha, Ngài đã tìm cách để không ép buộc và thống trị chúng ta mà ban sự tự do và nâng đỡ để chúng ta có thể “ở trên cao hơn hết” và “có tất cả quyền năng” cùng với Đức Chúa Cha (Giáo Lý và Giao Ước 132:20).

Ôi, chúng ta cần vui mừng biết bao vì Con Trai Đầu Lòng trong thể linh đã sẵn lòng trở thành Con Trai Độc Sinh trong thể xác thịt, để chịu đựng nỗi đau không gì sánh được và cái chết nhục nhã để cứu chuộc chúng ta. Ngài đã làm thỏa mãn cả công lý lẫn sự thương xót. Ngài cứu chúng ta khỏi —không phải trong, mà là khỏi — những tội lỗi của mình (xin xem Hê La Man 5:10–11; xin xem thêm Ma Thi Ơ 1:21).

Và Ngài cũng cứu chuộc chúng ta khỏi Sự Sa Ngã, khỏi cái chết thuộc linh và thể xác. Ngài mở cánh cửa đến sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu. Không thể nào đong đếm nổi tình yêu thương của Ngài. “Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta …

“… Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh” (Ê Sai 53:4–5).

Adoration of the Infant Jesus (Tôn Thờ Hài Nhi Giê Su), tranh do Matthias Stomer họa, Bridgeman Images
Adoration of the Infant Jesus (Tôn Thờ Hài Nhi Giê Su), tranh do Matthias Stomer họa, Bridgeman Images

Vinh Danh Thượng Đế

Khi lễ Giáng Sinh sắp đến, tôi nhận ra rằng một số người có lẽ lo lắng và sợ hãi về tương lai. Có thể có nhiều “tiếng ồn ào” trong cuộc sống của anh chị em, ít nhiều từ việc tương tác trực tuyến mà không ngơi nghỉ, không có thời gian tĩnh lặng để suy ngẫm, không có thời gian để suy xét trong lòng và nhận biết vị trí của mình hiện tại và nơi mình nên hướng tới. Anh chị em có thể bị ảnh hưởng bởi những kỳ vọng phi thực tế, như là “phải hoàn hảo ngay lập tức” hoặc “niềm hạnh phúc và thành công liên tục phải là chuẩn mực trong cuộc sống.”

Tôi hy vọng anh chị em sẽ gạt qua một bên những quan niệm sai đó, giảm bớt “tiếng ồn ào,” và dành chút ít thời gian trong mùa Giáng Sinh này, ít nhất một giờ, không thì nhiều hơn —để suy ngẫm về “sự kỳ diệu và vĩ đại của … Vị Nam Tử của Thượng Đế.” Xin hãy để cho một giờ đó trấn an và làm đổi mới anh chị em.

Vào thời điểm trước Giáng Sinh, tôi đã viết sứ điệp này:

“Khi chúng ta nói về sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta suy ngẫm cẩn thận về điều đã xảy đến sau đó. Sự giáng sinh của Ngài chắc chắn quan trọng bởi vì những điều Ngài sẽ trải qua và chịu đựng để mà Ngài có thể cứu giúp chúng ta tốt hơn — mà đỉnh điểm của mọi điều đó là Sự Đóng Đinh trên Thập Tự Giá và Sự Phục Sinh của Ngài (xin xem An Ma 7:11–12). …

“[Nhưng tôi cũng] nghĩ đây là thời gian thích hợp trong năm chỉ để nghĩ về đứa bé ấy trong máng cỏ. Đừng quá bị lấn át hoặc quá bận tâm đến điều sẽ xảy đến. … Hãy dành ra giây phút tĩnh lặng, bình yên để suy ngẫm về sự khởi đầu của cuộc đời Ngài —là sự kiện tột bậc trong lời tiên đoán thiêng liêng nhưng là sự khởi đầu trần thế đối với Ngài.

“Hãy dành thời gian để thư giãn, bình tâm, và ngắm nhìn đứa trẻ bé bỏng này trong tâm trí anh chị em. Đừng qua lo nghĩ … đến điều [có thể] xảy đến trong cuộc đời Ngài hoặc cuộc đời anh chị em. Thay vì vậy, hãy dành ra giây phút bình an để thưởng ngoạn khung cảnh có lẽ là bình yên nhất trong lịch sử thế gian —khi muôn thiên sứ ngợi ca sứ điệp ‘Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!’ (Lu Ca 2:14).”