Anh Cả Soares Khuyến Khích Dành Sự Tôn Trọng và Yêu Thương cho Những Ai Trái Ý Kiến với Chúng Ta

Một đại dịch toàn cầu. Những nền kinh tế sa sút. Bất ổn chung. Nỗi sợ bị “tẩy chay” vì nói ra ý kiến của mình. Đa phần thế giới hiện đại này đang đứng giữa một hay nhiều cuộc khủng hoảng như vậy. Mỗi cuộc khủng khoảng thử thách cấu trúc xã hội. Làm thế nào một người có thể an toàn vượt qua những chông gai đầy thử thách của những sự khác biệt đó mà không đánh mất hy vọng?


Anh Cả Ulisses Soares, một Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, đã nói với những người tham dự trực tuyến trong ngày đầu tiên của buổi họp Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo tại Dallas-Fort Worth rằng việc coi trọng phẩm giá của mỗi con người là điều mấu chốt.


“Khái niệm về phẩm giá con người có thể khác nhau trong mỗi nền văn hóa, nhưng nó lại đóng vai trò là một sự bất biến ở giữa một thế giới bất ổn và nhiều biến động,” Anh Cả Soares đã nói từ một phòng thu âm tại Temple Square ở Salt Lake City. “Các quyền con người san bằng sự mất cân đối về đặc quyền, sự giàu có, và cơ hội. Và những quyền đó phải được áp dụng khắp nơi. Nếu không thì, công lý trở nên bị thâu tóm bởi những người nắm quyền hành hiện tại. … Bất cứ lúc nào và ở bất kỳ nơi đâu, ai ai cũng đều quan trọng.”

 

Ông lấy quốc gia quê hương Brazil của mình làm một ví dụ về việc giải quyết thành công những khó khăn đến từ sự khác biệt. “Trong khi trải qua một giai đoạn với nhiều chuyển đổi trong nhiều năm từ Công Giáo La Mã sang các giáo phái Ngũ Tuần, Tin Lành và các giáo hội khác, người dân đã xoay sở để tránh xung đột giữa các giáo phái,” Vị Sứ Đồ nói. Các nghiên cứu cho thấy rằng không có báo cáo nào về sự xô xát thù địch liên quan đến tình trạng biến đổi tôn giáo liên tục ở quốc gia Nam Mỹ này. “Tuy không hề hoàn hảo, nhưng tình trạng căng thẳng đã được giải quyết qua việc đối thoại giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau,” Anh Cả Soares nói.


Thay vì nhượng bộ các quỷ sứ gây chia rẽ, Vị Sứ Đồ đề nghị giải pháp đơn giản là sự tôn trọng lẫn nhau.


“Chúng ta đừng cảm thấy bị quá đe dọa bởi sự khác biệt ý kiến,” ông nói. “Thay vì vậy, chúng ta hãy tôn trọng niềm tin chân thành của những người xung quanh chúng ta, và bằng cách làm như vậy, anh chị em có thể thấy rằng những niềm tin cá nhân của mình được củng cố. Một điều gì đó đơn giản như lời nói và ngôn từ có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nền văn minh. Chúng ta cần học cách để không xúc phạm lẫn không bị phật lòng. Điều quan trọng là các quốc gia có sự tự do tôn giáo nhiều hơn thì thanh bình hơn. Và những quốc gia với ít tự do tôn giáo hơn thì ít yên ổn hơn.”


Theo Anh Cả Soares, lời nói suông thôi thì không đủ. Đi kèm theo chúng cần có lòng vị tha và sự phục vụ vô vị kỷ lẫn nhau. Ông nhắc nhở các khán thính giả rằng tôn giáo mang đến “các mối quan hệ và sự gắn kết xã hội để khiến điều này trở nên khả thi.” Ông đưa ra một ví dụ là vào năm 2017, sau khi một nhà thờ Hồi Giáo bị hỏa hoạn thiêu hủy, thì Các Thánh Hữu Ngày Sau tại Bellevue, Washington đã cho những người bạn Hồi Giáo sử dụng giáo đường của mình. Một người Thánh Hữu Ngày Sau tại địa phương đã giải thích lòng tử tế đó đơn giản là “hàng xóm giúp đỡ lẫn nhau,” giống như Chúa Giê Su đã mời họ làm như vậy.


“Chúng ta sẽ cảm thấy yêu thương dồi dào và sự gắn kết với thế gian khi chúng ta giúp đỡ những người hoạn nạn hoặc nhận được sự giúp đỡ ngay lúc khó khăn chồng chất,” Anh Cả Soares nói. “Nhiều hành động nhỏ bé như [những gì các tín hữu Giáo Hội chúng ta đã làm tại Washington] đã đóng phần xây dựng niềm tin xã hội, củng cố mối thân tình trong xã hội và đảm bảo rằng chúng ta bảo vệ sự tự do tôn giáo của nhau.”


Hãy đọc toàn bộ bài nói chuyện mang tựa đề “Foundations and Fruits of Religious Freedom.”