Dạy Trẻ Em Thờ Phượng

Cha mẹ có thể giúp con cái trang nghiêm và cảm nhận Thánh Linh trong buổi lễ Tiệc Thánh.

Khi Đấng Cứu Rỗi phục sự cho dân Nê Phi sau khi Ngài phục sinh, Ngài đã quan tâm và gồm cả các trẻ em vào trong nghi lễ thờ phượng mà đã diễn ra. Điều này được ghi lại rằng, “Ngài bồng từng đứa trẻ một và ban phước cho chúng, rồi cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha cho chúng.” Ngài phán với đám đông: “Hãy nhìn xem các con trẻ của các ngươi.” Những người lớn kinh ngạc khi thấy các thiên sứ giáng xuống “như đang ở giữa một đám lửa. Rồi các vị này giáng xuống bao quanh các trẻ nhỏ, … và các thiên sứ này phục sự chúng” (3 Nê Phi 17:21, 23, 24).

Con cái chúng ta đã không có ở đó; và chúng cũng không có mặt trong giáo vụ trần thế của Đấng Cứu Rỗi khi Ngài phán: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó; vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy.” (Mác 10:14). Nhưng con cái của chúng ta cũng quý báu đối với Ngài, và tấm lòng của chúng có thể được Đức Thánh Linh làm cảm động. Một trong những cơ hội để Ngài cảm động con cái chúng ta là trong buổi lễ Tiệc Thánh, buổi lễ thờ phượng thiêng liêng được tổ chức trong danh Ngài cho tất cả các tín hữu của Giáo Hội.

Trẻ Em Có Thể Thờ Phượng và Cảm Nhận Thánh Linh

Ngay cả trẻ nhỏ có thể có được những cảm nghĩ tuyệt vời, thiêng liêng, dịu dàng từ Đức Thánh Linh, và tất cả các trẻ em đều cần và có quyền để được như vậy. Để cho con cái chúng ta có thể cảm nhận Thánh Linh, chúng cần tham dự buổi lễ Tiệc Thánh và yên lặng đủ để cảm nhận những lời thì thầm nhỏ nhẹ, êm ái. Điều này không phải luôn dễ dàng, nhưng chúng ta có thể dạy con cái mình để “yên lặng, và biết rằng ta là Chúa” (Thi Thiên 46:10). Để làm gương về sự trang nghiêm cho trẻ em, các cha mẹ, những người họ hàng, giảng viên và các vị lãnh đạo có thể thấy các ý kiến sau đây là hữu ích trong việc giúp trẻ em thờ phượng trang nghiêm.

Sự giảng dạy về việc thờ phượng trang nghiêm bắt đầu ở nhà. Khi bắt đầu giảng dạy điều này càng sớm cho trẻ nhỏ thì nó càng trở nên dễ dàng hơn. Chúng ta cần dạy cho con cái mình tầm quan trọng của việc cảm nhận Thánh Linh; điều cần làm để có được những cảm nghĩ đặc biệt, thiêng liêng này; và cách để nhận ra chúng. Chúng ta cũng có thể thử đem đến những giây phút yên tĩnh để mời Thánh Linh vào nhà. Ngoài buổi họp tối gia đình ra, rất nhiều gia đình có những buổi họp đặc biệt hằng ngày qua việc đọc thánh thư và hát thánh ca.

Cha mẹ có thể dành thời gian ở nhà để giải thích cho trẻ nhỏ lý do tại sao chúng ta tham dự lễ Tiệc Thánh. Trong khi cầu nguyện cùng gia đình, chúng ta có thể cầu xin Chúa giúp mỗi đứa trẻ hiểu điều chúng ta đang cố gắng dạy chúng.

Chúng ta có thể nhắc nhở con cái mình trước các buổi họp của Giáo Hội điều sẽ diễn ra và cách tất cả chúng ta tham gia: “Chúng ta bước vào giáo đường một cách yên lặng. Chúng ta ngồi xuống cùng gia đình và lắng nghe phần nhạc dạo. Khi lắng nghe âm nhạc, chúng ta đang sẵn sàng cho buổi lễ Tiệc Thánh và có thể cảm nhận Thánh Linh. Đây là cảm giác hạnh phúc về sự bình an và thanh thản.”

Tương tự như vậy, trẻ em có thể được dạy để thầm lắng nghe bài ca đặc biệt trong một vài phút. Âm nhạc là một phương tiện của Thánh Linh, và trẻ em có thể cảm nhận được Thánh Linh đó ngay cả khi chúng không hiểu lời nhạc.

Giúp Trẻ Em Tham Dự

Trẻ em ở mọi độ tuổi có thể vui hưởng khi tham gia hát thánh ca ở các mức độ khác nhau. Trẻ nhỏ yêu thích lắng nghe những cụm từ được lặp lại trong bài hát. Rất nhiều bài thánh ca tuyệt vời của chúng ta có các cụm từ và điệp khúc như vậy, và chúng ta có thể giúp trẻ nhỏ nghe các từ này. Nếu chúng ta thì thầm các từ sắp được hát bên tai đứa trẻ, nó sẽ nghe thấy các từ đó khi họ hát. Chẳng hạn, bắt đầu đoạn điệp khúc chúng ta có thể thì thầm, “Hãy nghe ‘Chúa Giê Su đang mỉm cười’”, và rồi xem nụ cười tỏa trên khuôn mặt đứa trẻ khi giáo đoàn hát những từ đó.

Khi trẻ em lớn hơn, chúng có thể học để tham gia hát những cụm từ đặc biệt này. Trẻ em yêu thích hát “Ôi, thật tuyệt làm sao” hoặc “Vinh danh Thượng Đế” hoặc “Ngày tuyệt đẹp.” Dần dần, trẻ em có thể tham gia vào những phần dài hơn, cả đoạn điệp khúc, và cuối cùng là toàn bộ bài thánh ca. Sẽ hữu ích nếu chúng ta thực hành ở nhà.

Trẻ em mà biết đọc một chút có thể học đọc bài thánh ca theo cách tương tự và từng câu chữ một, và chúng có một cảm nhận tuyệt vời về thành tích đạt được khi làm như vậy. Điều này thiết lập một khuôn mẫu cho chúng để khi chúng trở thành thiếu niên thì nhiều khả năng chúng sẽ tiếp tục hát các bài thánh ca.

Trẻ em có thể học cầu nguyện từ khi còn rất nhỏ. Ở nhà, khi được cha mẹ chỉ dẫn, thậm chí trẻ nhỏ xíu cũng khoanh tay và cúi đầu với cả nhà. Điều tương tự xảy ra trong lễ Tiệc Thánh trong lời cầu nguyện mở đầu, lời cầu nguyện kết thúc, và lời cầu nguyện Tiệc Thánh. Chúng ta có thể đọc những lời cầu nguyện Tiệc Thánh tuyệt vời, đầy ý nghĩa ở nhà với con cái mình, giải thích cho chúng theo mức độ hiểu biết của chúng về ý nghĩa của các từ. Có thể hữu ích cho một số trẻ em lớn hơn để cố gắng ghi nhớ lời cầu nguyện. Giống như với các bài thánh ca, chúng sẽ “nghe” các từ nếu chúng biết những từ đó là gì. Chúng ta cũng có thể giải thích ý nghĩa của Tiệc Thánh theo cách mà con cái chúng ta có thể hiểu.

Giúp Trẻ Em Trở Nên Trang Nghiêm

Chúng ta có thể làm nhiều điều để giúp con cái mình biết ơn các bài nói chuyện được đưa ra trong lễ Tiệc Thánh. Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã khuyên dạy: “Một lời bình luận thì thầm thỉnh thoảng để làm rõ … thông điệp của người nói có thể giúp đứa trẻ liên hệ với những gì đang diễn ra. Chẳng hạn, người cha có thể thì thầm, ‘Đó là cha của Gordy đang nói chuyện. Ông ấy đang nói về những người tiền phong.’” 1

Đôi khi, cha mẹ cũng có thể tóm lược ngắn gọn điều đang được nói đến và thu hút sự chú ý của con cái đến các câu chuyện thánh thư mà chúng sẽ nhận ra: “Con biết câu chuyện này đấy! Đó là về A Bi Na Đi và Vua Nô Ê.”

Tất nhiên tất cả những điều này phải được thực hiện trong những lời thì thầm thật nhỏ, bên tai đứa trẻ, để tránh gây xao lãng cho những người khác.

Một số cha mẹ có thể lý luận rằng: “Con cái chúng tôi trang nghiêm cho đến sau khi Tiệc Thánh được chuyền và chúng tôi cảm thấy rằng đó là đủ.” Nhưng toàn bộ buổi họp là để dành cho việc thờ phượng, và con cái chúng ta được mời tham dự vào tất cả những điều này. Chúng ta dự phần Tiệc Thánh để tưởng nhớ Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi và tái lập các giao ước của chúng ta với Ngài. Các bài nói chuyện là sự mở rộng cho sự tưởng nhớ và cam kết đó.

Con cái chúng ta cần cảm thấy và bày tỏ sự tôn trọng đối với những người nói chuyện. Chúng ta có thể trìu mến khuyên bảo con cái mình: “Cha/mẹ biết con không hiểu mọi điều, nhưng người nói chuyện sẽ nói cho chúng ta điều họ cảm thấy Chúa muốn chúng ta học hỏi. Cha/mẹ sẽ giúp con hiểu một chút, và rồi chúng ta sẽ nói về điều đó nhiều hơn khi về nhà.”

Khi chúng ta ngồi với những người bạn tầm đạo ở nhà thờ, chúng ta mong muốn họ cảm nhận Thánh Linh và được cải đạo. Theo một cách nào đó, con cái chúng ta cũng là những người tầm đạo. Chúng ta không cảm thấy có cùng mong muốn đó cho chúng hay sao?

Giúp Trẻ Em Cảm Nhận Thánh Linh

Nhiều người đến lễ Tiệc Thánh với mong muốn đến gần Chúa hơn và được Thánh Linh soi dẫn. Hành vi không trang nghiêm của bất kỳ ai trong chúng ta có thể gây xao lãng cho những người khác khỏi ước muốn thờ phượng. Anh Cả Alexander B. Morrison, là người phục vụ với tư cách là một thành viên của Thầy Bảy Mươi từ năm 1989 đến năm 2000, đã kể về lễ Tiệc Thánh của người Châu Phi: “Mọi người, trẻ em, cũng như người lớn, xem người nói chuyện với sự tập trung cao độ, chăm chú. Không có ai uể oải trên ghế ngồi, không có ai đi ra đi vào để uống nước, không có ai đi vệ sinh. Trong những hoàn cảnh như vậy mức độ thuộc linh trong buổi lễ Tiệc Thánh là rất cao.”2

Chúng ta không thể ép buộc con cái mình thờ phượng, nhưng chúng ta có thể giúp chúng cư xử theo những cách mà mời gọi Thánh Linh. Dĩ nhiên, mỗi đứa trẻ thì đặc biệt, và điều áp dụng với đứa trẻ này có thể không phù hợp với đứa trẻ khác. Nhưng các cha mẹ là những người thành tâm kiên quyết giúp con cái họ thờ phượng và cảm nhận Thánh Linh sẽ tìm thấy niềm vui mà họ được ban cho sự mặc khải và soi dẫn khi làm như vậy.

Ngoài các thành viên trong gia đình thân cận, những người khác có thể khuyến khích trẻ em trang nghiêm và tôn trọng. Những người nói chuyện có thể sử dụng lời lẽ đơn giản và gồm vào các câu chuyện thánh thư quen thuộc. Những người điều khiển nhạc và người đánh phong cầm có thể gồm vào âm nhạc mà trẻ em sẽ nhận ra và yêu thích. Các vị lãnh đạo chức tư tế có thể làm việc để đảm bảo rằng các buổi họp mời Thánh Linh hiện diện.

Một Cơ Hội Lớn Lao

Các buổi lễ thờ phượng là một cơ hội lớn lao đối với trẻ em để học về việc tự kiểm soát bản thân và tôn trọng quyền và nhu cầu của người khác. Những buổi quy tụ thiêng liêng này là những dịp cho tất cả chúng ta để cùng nhau làm việc để giúp trẻ em học cảm nhận và ước muốn được Đức Thánh Linh phục sự. Rồi khi lớn lên, chúng sẽ có được một tình yêu thương sâu sắc, gắn bó dành cho Đấng Cứu Rỗi, một tình yêu thương mà sẽ nâng đỡ chúng trên con đường chật và hẹp để trở về trong vòng tay của Ngài.

Sự Trang Nghiêm

“Chúng ta cần củng cố các buổi lễ Tiệc Thánh và làm cho chúng trở thành những giờ phút thờ phượng thực sự. Nuôi dưỡng tinh thần nghiêm trang, một thái độ mà khi mọi người đến giáo đường và yên lặng, trang nghiêm và ân cần. … Lễ Tiệc Thánh phải là một thời gian làm mới về phần thuộc linh cho mọi người, khi , vào Chủ Nhật, họ quy tụ để dự phần Tiệc Thánh và tái lập các giao ước của họ với Chúa.”
 

Chủ Tịch Gordon B. Hinkley, Pittsburgh Pennsylvania Regional Conference, ngày 27 tháng Tư, năm 1996; trích trong Ensign, tháng Tám năm 1997, trang 6; tháng Bảy năm 1997, trang 73.