Giúp Con Cái Lắng Nghe

Khi con cái của chúng tôi còn nhỏ, chúng tôi luôn chọn để ngồi ở chỗ mà có thể dễ đi ra ở nhà thờ. Túi đựng tã luôn để đầy sách, bút màu, và đồ chơi không gây tiếng ồn—đồ dùng để làm yên lặng bọn trẻ hiếu động và hoạt bát của chúng tôi. Mục tiêu của chúng tôi là để giữ chúng yên lặng trong buổi họp.

Nhưng khi chúng lớn hơn—ở độ tuổi tiểu học—chúng tôi quyết định chúng đã sẵn sàng cho một giai đoạn mới. Chúng tôi giả định rằng khi nỗ lực hơn một chút, chúng tôi có thể giúp con cái mình nhận được một quan điểm mới về các buổi họp của Giáo Hội và học hỏi được nhiều hơn từ các thông điệp được đưa ra ở đó. Mục tiêu mới của chúng tôi là giúp chúng lắng nghe và học hỏi trong các buổi họp của Giáo Hội.

Đầu tiên, chúng tôi đã thảo luận điều này cùng cả gia đình, nói về việc chúng tôi sẽ làm và tại sao. Sau đó, chúng tôi đã thử nghiệm một “giai đoạn cai”, thời gian đó chúng tôi không còn đem theo đến nhà thờ những món đồ để làm chúng yên lặng mà thay vì thế, chúng tôi khuyến khích ba đứa lớn hãy lắng nghe.

Trong thời gian này, chúng tôi đã rất nhiều lần tự vấn lương tâm. Chúng tôi nhận ra rằng hơn bao giờ hết ngôi nhà của chúng tôi trở thành một trung tâm học hỏi đầy thuộc linh. Các khái niệm về phúc âm được giảng dạy ở nhà thờ trở thành một bàn đạp cho các cuộc thảo luận gia đình của chúng tôi; các nguyên tắc được giảng dạy ở nhà được củng cố và làm phong phú thêm khi tham dự nhà thờ. Vì thế, chúng tôi hy vọng, con cái của chúng tôi sẽ thấy rằng buổi lễ Tiệc Thánh có liên quan nhiều hơn.

Chúng tôi thấy rằng mình cần phải tập trung trong việc giúp con cái phát triển các kỹ năng lắng nghe. Sau đây là một số ý kiến về cách để làm điều này, dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi:

  1. Có các bài học trong buổi họp tối gia đình về tầm quan trọng của việc lắng nghe và về cách để lắng nghe. Bắt đầu bằng việc thảo luận về cách lắng nghe lẫn nhau trong các cuộc trò chuyện giữa một người với một người. Đóng diễn các tình huống để lắng nghe. Rồi trong tuần, hãy tự mình là một người biết lắng nghe với con cái của mình. Cho chúng thấy việc người nói có được sự giao tiếp bằng ánh mắt với người nghe và khi người nghe hoàn toàn chú tâm thì quan trọng ra sao.
  2. Tạo ra những tình huống đặc biệt để học cách lắng nghe ở nhà. Chúng tôi đã ghi âm các buổi họp tối gia đình khi con cái chúng tôi kể các câu chuyện thánh thư và giảng dạy các nguyên tắc phúc âm. Chúng thích được nghe giọng nói của chính mình, và chúng bật đi bật lại các đoạn ghi âm này nhiều lần. Đọc to cho con cái cũng là một cách tuyệt vời để dạy chúng lắng nghe. Và ghi âm lại những phần đọc yêu thích được chọn ra để sử dụng sau này là việc làm quen thuộc trong nhà chúng tôi. Các đoạn ghi âm không chỉ để cho vui, mà chúng còn dạy các nguyên tắc đúng.
  3. Cùng với gia đình, hãy thảo luận cách mà những kỹ thuật hay để lắng nghe này áp dụng trong các tình huống lắng nghe trong nhóm—đặc biệt là buổi lễ Tiệc Thánh. Giải thích rằng việc giao tiếp qua ánh mắt, được dạy trong tất cả các bài học dành cho người thầy giảng, và cũng áp dụng cho người nghe. Trong buổi lễ Tiệc Thánh, hãy làm gương cho con cái của mình về các thói quen tốt để lắng nghe bằng cách nhìn vào người nói chuyện và không để cho ánh mắt và suy nghĩ của anh chị em trở nên lơ đễnh.
  4. Ở nhà, hãy giúp mở rộng và nâng cao sự hiểu biết của con cái mình về các từ ngữ trong phúc âm để khi chúng nghe những cụm từ này trong các bài nói chuyện ở nhà thờ thì chúng có thể liên hệ đến các cụm từ đó một cách hữu hiệu hơn. Hầu hết ngôn từ trong các buổi họp của Giáo Hội là trong tầm hiểu biết của thậm chí là trẻ nhỏ. Chẳng hạn, hãy bắt đầu với các từ như phép báp têm, giao ước, và Tiệc Thánh.
  5. Hãy giúp con cái anh chị em hiểu mục đích và việc diễn ra trong các buổi họp của Giáo Hội. Trong các buổi họp tối gia đình, hãy thảo luận các sự kiện cụ thể chẳng hạn như việc ban phước, lễ xác nhận, và Tiệc Thánh. Rồi những phần này của buổi họp sẽ trở nên quen thuộc và thú vị hơn cho chúng.
  6. Giao cho mỗi đứa con một bài nói chuyện cụ thể để kể lại ở nhà. Để cho chúng viết xuống một hoặc hai câu tóm lược trong buổi họp. Khi các bài nói chuyện quá phức tạp cho trẻ nhỏ, cha mẹ hoặc các anh và chị lớn hơn có thể hỗ trợ để giải thích và khái niệm hóa. Theo cách này cả gia đình đều tham gia, và mọi người đều có được kinh nghiệm có ích.
  7. Bắt đầu một tệp hồ sơ hoặc sổ tổng hợp của gia đình về các câu chuyện thú vị hoặc các khái niệm nghe được trong các buổi họp của Giáo Hội. Giữ cho phần tiêu đề được đơn giản—hãy làm điều này như một dự án cho cả những đứa con nhỏ nhất. Cho phép chúng thêm vào các ý kiến của riêng chúng hoặc các tài liệu phát tay mà chúng mang về nhà. Khi một bài học trong buổi họp tối gia đình được đặt trọng tâm vào một trong các chủ đề này hoặc một bài nói chuyện được giao cho một trong những đứa con, hãy xem lại tệp hồ sơ để có nguồn tài liệu tham khảo.
  8. Hát thánh ca ở nhà để giúp con cái trở nên hứng thú hơn với phần âm nhạc ở buổi lễ Tiệc Thánh. Hãy hỏi người điều khiển nhạc để xin một danh sách các bài thánh ca được sắp xếp cho lễ Tiệc Thánh; sau đó hãy cùng nhau hát những bài đó trong buổi họp tối gia đình. Dạy con cái chú ý đặc biệt đến các từ ngữ. Thảo luận về thông điệp của các bài thánh ca.

Nếu chúng ta, các bậc cha mẹ nỗ lực và dành thời gian, chúng ta có thể giúp cho con cái mình quý trọng các buổi họp của Giáo Hội với mức độ lớn lao hơn. Và nỗ lực mà chúng ta đầu tư bây giờ trong việc giúp chúng đạt được các kỹ năng lắng nghe sẽ đem lại các lợi ích vĩnh cửu.