Việc Thờ Phượng trong Lễ Tiệc Thánh 

Phỏng theo một bài nói chuyện tại một buổi họp huấn luyện lãnh đạo toàn cầu vào ngày 21 tháng Sáu năm 2003 

Những buổi lễ Tiệc Thánh có thể được hoạch định và cử hành để giúp chúng ta tưởng nhớ đến Chúa và Sự Chuộc Tội của Ngài. 

Oleh Penatua Russell M. Nelson 

Các giám trợ đoàn và chủ tịch đoàn chi nhánh có nhiều trách nhiệm có thể được ủy thác. Nhưng họ không thể ủy thác trách nhiệm liên quan đến lễ Tiệc Thánh. Nói chung, họ chủ tọa và do đó chịu trách nhiệm về cả tinh thần lẫn nội dung của các buổi lễ này. Do đó, những lời dạy của tôi về lễ Tiệc Thánh sẽ được đặc biệt quan tâm bởi các vị giám trợ, chủ tịch chi nhánh, và các cố vấn của họ—cũng như những tín hữu Giáo Hội đang tham dự các buổi lễ hằng tuần này. 

Nền Tảng Giáo Lý 

Lễ Tiệc Thánh là một buổi lễ cho tiểu giáo khu và chi nhánh mà chúng ta tham dự với tư cách như một gia đình—đơn vị cơ bản của Giáo Hội. Các gia đình và tín hữu cần có mặt sớm trước khi lễ Tiệc Thánh bắt đầu. Như Chúa đã truyền lệnh, chúng ta tham dự để dự phần Tiệc Thánh và tái lập các giao ước của mình. 

Ngài đã lập nên Tiệc Thánh để nhắc nhở chúng ta về Sự Chuộc Tội của Ngài. Khi bữa tối cuối cùng được chuẩn bị đặc biệt của Lễ Vượt Qua sắp kết thúc, Chúa Giê Su đã ban phước và bẻ bánh mì, và trao cho các Sứ Đồ của Ngài và nói: “Hãy lấy ăn đi” (Ma Thi Ơ 26:26). “Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến ta” (Lu Ca 22:19). Sau đó Ngài cầm lấy chén, dâng lời ban phước để tạ ơn, và chuyền nó cho những người đang tụ họp quanh Ngài, và nói: “Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta” (Lu Ca 22:20), “đã đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Ma Thi Ơ 26:28). “Hãy làm điều nầy để nhớ ta. Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao [truyền] sự chết của Chúa” (1 Cô Rinh Tô 11:25–26). Trong thể thức này, Ngài đã liên kết Tiệc Thánh với việc Ngài sắp bị đóng đinh. 

Thượng Đế đã phán: “Vì này, đây là công việc của ta và sự vinh quang của ta—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.” (Môi Se 1:39). Sau đó, Vị Nam Tử của Thượng Đế đã tự nguyện hy sinh mạng sống của Ngài để hoàn thành ý muốn của Cha Ngài. Do đó, sự bất diệt đã thành hiện thực và cuộc sống vĩnh cửu có thể đạt được cho tất cả những ai từng sống trên thế gian. 

Chúng ta tưởng niệm Sự Chuộc Tội của Ngài trong một cách thức vô cùng cá nhân. Chúng ta mang theo một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối khi đến dự lễ Tiệc Thánh. Đó là điểm nổi bật trong việc tuần giữ ngày Sa Bát của chúng ta (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 59:8–13). 

Những lời cầu nguyện ban phước Tiệc Thánh đã được Chúa mặc khải. Những lời cầu nguyện này chứa đựng các giao ước và một lời hứa (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:77, 79). Chúng ta giao ước sẽ mang danh Chúa Giê Su Ky Tô và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Chúng ta ăn bánh mì đã được bẻ để tưởng nhớ đến thể xác của Ngài. Chúng ta uống nước để tưởng nhớ đến máu của Ngài đã đổ ra cho chúng ta. Và chúng ta làm chứng rằng chúng ta sẽ luôn luôn tưởng nhớ đến Ngài. Lời hứa là: Chúng ta sẽ luôn có được Thánh Linh của Ngài ở cùng với chúng ta. Thật là một phước lành lớn lao! 

Hoạch Định Lễ Tiệc Thánh 

Luôn chú tâm đến các giáo lý này, những giám trợ đoàn và chủ tịch đoàn chi nhánh cần phải hoạch định những buổi lễ Tiệc Thánh một cách chu đáo để giữ cho các buổi họp này được tập trung vào Chúa và Sự Chuộc Tội của Ngài, tấm gương của Ngài, và các giáo lý phúc âm. 

Những lời mời nói chuyện nên được đưa ra trước đó rất sớm và bao gồm lời mô tả rõ ràng về chủ đề được chỉ định và thời gian cho phép, cùng với lời đề nghị giúp đỡ. Những người được mời cầu nguyện nên bao gồm các tín hữu không thường được mời. Hãy tránh việc mời người chồng và người vợ cầu nguyện trong cùng buổi lễ. Việc này vô tình truyền đi một thông điệp rằng những người độc thân sẽ bị loại trừ. Và hãy nhớ rằng: những lời cầu nguyện không phải là các bài giảng. 

Những người truyền giáo sắp phục vụ có thể có cơ hội đưa bài nói chuyện trong lễ Tiệc Thánh. Những người thân và bạn bè của họ không được mời nói chuyện. Hai hoặc nhiều hơn những người truyền giáo sắp phục vụ có thể nói chuyện trong cùng một buổi lễ. Những người truyền giáo sắp được giải nhiệm mà đã phục vụ một cách vinh dự nên được mời nói chuyện trong lễ Tiệc Thánh và được dành thời gian để chia sẻ những kinh nghiệm thuộc linh và chia sẻ chứng ngôn của họ. 

Những buổi lễ Tiệc Thánh cho giới trẻ cơ hội để nói chuyện ngắn gọn về các đề tài phúc âm được chỉ định. Trong những lần khác, các ủy viên hội đồng thượng phẩm sẽ được vị chủ tịch giáo khu chỉ định để nói chuyện. 

Các tín hữu có thể được kêu gọi phục vụ trong việc chào đón và xếp chỗ ngồi. Họ có thể chào đón những người đến thờ phượng và xếp chỗ ngồi thoải mái cho họ, trong khi đó họ giữ trống một vài ghế phía sau và cạnh lối đi cho những người có nhu cầu đặc biệt. 

Các dụng cụ nghe nhìn, chẳng hạn như những cuộn băng video và giấy bóng kính, không nên được dùng trong lễ Tiệc Thánh. 

Thỉnh thoảng, một số tín hữu không thể tham dự vì bệnh tật. Trong những trường hợp đó, vị giám trợ hoặc chủ tịch chi nhánh có thể chỉ định những người giữ chức tư tế để thực hiện Tiệc Thánh cho họ ở nơi họ cư trú. 

Một buổi lễ Tiệc Thánh điển hình sẽ gồm có: 

  • Nhạc dạo mở đầu 
  • Một lời chào đón và ghi nhận vị thẩm quyền chủ tọa và đại diện từ hội đồng thượng phẩm, nếu được chỉ định. 
  • Một bài thánh ca và lời cầu nguyện mở đầu. 
  • Công việc của tiểu giáo khu hoặc chi nhánh, chẳng hạn như: 

- Việc giải nhiệm và tán trợ các chức sắc và giảng viên. 

- Việc công nhận các em đã thăng tiến từ Hội Thiếu Nhi, các tín hữu được kêu gọi phục vụ truyền giáo hoặc trong các chỉ định khác, những thành tựu đạt được bởi các thiếu niên và thiếu nữ. 

- Giới thiệu tên của các anh em sẽ tiếp nhận hoặc thăng tiến trong Chức Tư Tế A Rôn, hoặc tên của các tín hữu mới trong tiểu giáo khu hoặc chi nhánh. 

  • Lễ xác nhận các tín hữu mới. 
  • Bài thánh ca Tiệc Thánh và phần thực hiện Tiệc Thánh. 
  • Các sứ điệp phúc âm và phần âm nhạc bổ sung tùy chọn. 
  • Một bài thánh ca và lời cầu nguyện kết thúc. 
  • Nhạc dạo sau khi kết thúc 

Những người được giải nhiệm và tán trợ không cần phải được giới thiệu từng cá nhân. Họ có thể được đề nghị theo nhóm—trước tiên là những người được giải nhiệm, sau đó đến lượt những người được tán trợ trong chức tư tế, và sau đó là những người được tán trợ cho những sự kêu gọi trong các tổ chức bổ trợ. 

Các buổi lễ Tiệc Thánh nên bắt đầu và kết thúc đúng giờ và không nên được lên chương trình quá mức. Không cần phải tổ chức các buổi lễ cầu nguyện trước lễ Tiệc Thánh. Những người tham dự nên vào chỗ ngồi ít nhất năm phút trước khi buổi lễ bắt đầu để họ có thể sẵn sàng về phần thuộc linh cho việc thờ phượng. Trong khoảng thời gian yên tĩnh đó, phần nhạc dạo mở đầu nên lắng dịu. Đây không phải là lúc trò chuyện hoặc trao đổi thông điệp mà là thời gian để thành tâm suy ngẫm khi các vị lãnh đạo và tín hữu cùng chuẩn bị phần thuộc linh cho lễ Tiệc Thánh. 

Âm Nhạc 

Các bài thánh ca của Giáo Hội là âm nhạc cơ bản cho các buổi lễ thờ phượng và là tiêu chuẩn cho việc ca hát của giáo đoàn. Những lựa chọn âm nhạc phù hợp khác có thể được dùng cho nhạc dạo mở đầu hoặc sau khi kết thúc, âm nhạc dành cho ca đoàn, và những phần âm nhạc đặc biệt. Các bài thánh ca mở đầu và kết thúc thường được hát bởi giáo đoàn. Bài thánh ca Tiệc Thánh luôn luôn được hát bởi giáo đoàn. 

Tốt nhất là mỗi đơn vị trong Giáo Hội có một ca đoàn, được mời hát theo định kỳ. Một ca đoàn có thể ban phước cho nhiều người. Chị Nelson và tôi đã có nhiều kỷ niệm đẹp khi chúng tôi tham gia—cách đây nhiều năm—vào ca đoàn trong chi nhánh nhỏ của chúng tôi ở Minneapolis, Minnesota. Khi chúng tôi và những người khác đi lên để hát, ca đoàn của chúng tôi có đông người hơn là số tín hữu còn lại trong giáo đoàn. 

Đàn dương cầm, đàn đại phong cầm, hoặc các nhạc cụ điện tử tương đương với chúng là tiêu chuẩn để sử dụng trong các buổi lễ Tiệc Thánh. Nếu sử dụng các nhạc cụ khác, thì việc sử dụng chúng phải gìn giữ tinh thần của buổi lễ. Các nhạc cụ có âm thanh ồn ào hoặc ít mang tính thờ phượng, chẳng hạn như hầu hết các bộ gõ và kèn đồng, đều không phù hợp cho lễ Tiệc Thánh. Nếu không có sẵn đàn dương cầm, đàn đại phong cầm, hoặc người đánh đàn, thì các bản ghi âm phù hợp có thể được dùng để đệm đàn. 

Bài ca của người ngay chính là một lời cầu nguyện dâng lên Chúa (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 25:12). Một số tín hữu dường như miễn cưỡng ca hát, có lẽ vì lo sợ. Mỗi người chúng ta cần phải quên đi nỗi sợ hãi của mình và ca hát như một cơ hội để thành tâm ngợi khen Đấng Sáng Tạo. Âm nhạc trong lễ Tiệc Thánh là để thờ phượng, chứ không phải để trình diễn. Chúng ta không được để âm nhạc thiêng liêng dần dần xa rời chúng ta hoặc cho phép âm nhạc thế tục thay thế nó. 

Điều Khiển Lễ Tiệc Thánh 

Các giám trợ đoàn và chủ tịch đoàn chi nhánh không chỉ có trách nhiệm trong việc hoạch định các buổi lễ này, mà còn phải điều khiển chúng nữa. Họ nên làm điều đó một cách nghiêm trang. Một số người trong giáo đoàn đang cầu mong có được những thúc giục dịu dàng và sự giao tiếp từ thiên thượng. Việc thiết lập một bầu không khí nghiêm trang sẽ giúp họ nhận được những thúc giục này. Hãy nhớ rằng: sự nghiêm trang mời gọi sự mặc khải. 

Những người điều khiển buổi lễ bắt đầu bằng việc đưa ra một lời chào thân ái. Các thông báo chi tiết nên được dành cho những lúc khác phù hợp hơn. Bởi vì chúng ta mời gọi tất cả mọi người đến cùng Đấng Ky Tô, bạn bè và hàng xóm luôn được chào đón nhưng không được mong đợi phải dự phần Tiệc Thánh. Tuy nhiên, điều này không bị cấm. Họ có quyền lựa chọn. Chúng ta hy vọng rằng những người mới đến sẽ luôn cảm thấy thoải mái và hòa nhập. Các em nhỏ, những người không mang tội lỗi nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa, có thể dự phần Tiệc Thánh khi các em chuẩn bị cho các giao ước mà chúng sẽ lập sau này trong cuộc sống. 

Các buổi họp của chúng ta luôn được điều khiển theo Thánh Linh hướng dẫn (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 46:2). Đôi lúc, một điều gì đó bất ngờ có thể xảy ra mà một vị chức sắc chủ tọa có thể muốn làm rõ hoặc chỉnh sửa, theo như Thánh Linh thúc giục. Nếu không, không có bình luận bổ sung nào được đưa ra sau khi người nói chuyện cuối cùng kết thúc. 

Thực Hiện Lễ Tiệc Thánh 

Các giám trợ đoàn và chủ tịch đoàn chi nhánh chủ tọa Chức Tư Tế A Rôn trong các tiểu giáo khu và chi nhánh. Cùng với các cố vấn nhóm túc số, họ sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng Tiệc Thánh được chuẩn bị trước buổi lễ, và việc chuyền Tiệc Thánh đã được hoạch định chu đáo. Những người thực hiện Tiệc Thánh phải ăn mặc chỉnh tề. Những chiếc áo trắng không chỉ nhìn đẹp, nhưng chúng còn là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng về các giáo lễ thiêng liêng khác, chẳng hạn như các giáo lễ báp têm và đền thờ, nơi mà chúng ta cũng mặc trang phục trắng. 

Những lời cầu nguyện ban phước Tiệc Thánh phải được đưa ra một cách rõ ràng, dễ hiểu bởi vì người cầu nguyện đang nói lên những giao ước mà người khác sẽ thiết lập. Những người có đặc ân ban phước Tiệc Thánh được trông đợi phải có sự thanh khiết và trong sạch trong tâm hồn.Vị thẩm quyền chủ tọa là người đầu tiên được nhận Tiệc Thánh. 

Buổi Họp Nhịn Ăn Và Chia Sẻ Chứng Ngôn 

Các buổi lễ nhịn ăn và chia sẻ chứng ngôn được tổ chức mỗi tháng một lần, thường là vào ngày Chủ Nhật đầu tiên. Thông thường, các em bé được ban phước trong ngày ấy. Sau phần thực hiện Tiệc Thánh, người anh em điều khiển sẽ chia sẻ một chứng ngôn ngắn gọn. Sau đó, anh ấy mời các tín hữu chia sẻ chứng ngôn ngắn gọn và chân thành về Đấng Cứu Rỗi, những lời dạy của Ngài, và Sự Phục Hồi. Các bậc cha mẹ và giảng viên nên giúp trẻ em hiểu xem chứng ngôn là gì và khi nào phù hợp để chia sẻ nó. Các trẻ em nhỏ tuổi nên học cách chia sẻ chứng ngôn tại nhà chúng hoặc trong Hội Thiếu Nhi cho đến khi các em ấy đủ tuổi để chia sẻ chứng ngôn mà không cần giúp đỡ trong buổi họp nhịn ăn và chia sẻ chứng ngôn. 

Sự Tham Gia Cá Nhân 

Mỗi tín hữu của Giáo Hội chịu trách nhiệm về sự phát triển phần thuộc linh mà có thể đến từ một buổi lễ Tiệc Thánh. Mỗi người nên hát với tấm lòng biết ơn và đáp lại “A Men” bằng lời khi một lời cầu nguyện hoặc chứng ngôn vừa kết thúc. Mỗi người chúng ta suy ngẫm về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta suy ngẫm về tầm quan trọng của việc Ngài chịu đau khổ trong vường Ghết Sê Ma Nê và việc Ngài bị Đóng Đinh trên Đồi Sọ. Vào lúc này, mỗi người chúng ta phải “tự xét lấy mình” (1 Cô Rinh Tô 11:28) và suy ngẫm về các giao ước cá nhân mà chúng ta lập với Chúa. Vào lúc này, chúng ta suy ngẫm về những điều thiêng liêng đến từ Thượng Đế. 

Tôi tạ ơn Chúa cho lễ Tiệc Thánh và tất cả ý nghĩa của nó trong cuộc đời của tôi. Lễ Tiệc Thánh đã liên tục thắp sáng đức tin của tôi và cho phép tôi tái lập các giáo ước của mình hết tuần này đến tuần khác, giúp Chị Nelson và tôi sống và nuôi dưỡng gia đình mình trong ánh sáng vinh quang của phúc âm.