Bài của Tiffany Tolman 

Buổi Lễ Tiệc Thánh Có Phải Là một Kinh Nghiệm Tuyệt Vời đối với Anh Chị Em không? 

Nếu chúng ta sẵn lòng làm điều gì đó để cho nó xảy ra, thì buổi lễ Tiệc Thánh có thể là thời gian đáng mong đợi nhất trong tuần của chúng ta. 

Sacrament meeting

Trong một buổi sáng thứ Bảy đẹp trời cách đây không lâu, khi tôi lái xe về nhà từ Đền Thờ Bountiful Utah, tôi đi ngang qua một số người đi xe đạp đang nỗ lực hết sức đạp ngược chiều với tôi. Khi tôi quan sát họ gắng sức đạp lên con dốc mà tôi thấy thật khó để đạp qua, ý nghĩ đầu tiên đến trong tâm trí tôi là, “Họ thật điên rồ.” Tôi chắc chắn rằng tiên tri Ê Sai đã suy nghĩ về đền thờ Bountiful khi ông nói, “Sẽ xảy ra trong những ngày sau rốt, núi của nhà Đức Giê Hô Va sẽ được lập vững trên đỉnh các núi” (Ê Sai 2:2), bởi vì đó thực sự là về việc ngọn núi đó có thể cao bao nhiêu. Và đây là một số người đạp xe điên rồ đang cố gắng đến đỉnh của ngọn núi đó bằng xe đạp—ngọn núi mà chiếc xe của tôi còn khó để lái lên. Họ đang nghĩ gì vậy?  

Và rồi điều đó đã khiến tôi nhận ra. Có lẽ họ đang nghĩ rằng sự siêng năng của họ sẽ khiến cho họ mạnh mẽ hơn. Có lẽ họ đang nghĩ rằng việc đạp tới đỉnh ngọn núi sẽ là một kinh nghiệm tuyệt vời bởi vì công sức họ đã bỏ ra để đến được đó. Có thể họ đang nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ trân trọng quang cảnh đó như họ bởi vì tôi đã không gặp khó khăn như vậy để đến được đó (điều này, vô tình lại đúng, bởi vì tôi đã chẳng đoái hoài để nhìn vào quang cảnh cho đến khi họ khiến tôi suy nghĩ). Có thể họ đang nghĩ rằng tất cả những sự chuẩn bị của họ để đến được đỉnh ngọn núi đó là rất xứng đáng. Có lẽ, suy cho cùng họ không đến nỗi quá điên khùng. 

Khi suy ngẫm về kinh nghiệm mà tôi tưởng tượng cho những người đạp xe ở trên đỉnh ngọn núi đó, tôi bắt đầu suy ngẫm về kinh nghiệm tôi hy vọng gia đình tôi và tôi sẽ có trong buổi lễ Tiệc Thánh mỗi tuần. Chúng ta có chuẩn bị và mong đợi kinh nghiệm hằng tuần của chúng ta với Chúa với cùng sự siêng năng và nỗ lực như vậy không? Chúng ta đã có rất nhiều lời khuyên dạy gần đây về tầm quan trọng của việc giữ ngày Sa Bát được thánh. Từ sự hướng dẫn đầy soi dẫn của Chủ Tịch Russell M. Nelson trong đại hội trung ương tháng Tư năm 2015 đến buổi huấn luyện đặc biệt mà chúng ta hy vọng tất cả mọi người đã nhận được trong các tiểu giáo khu và chi nhánh của chúng ta, chúng ta đã có nhiều điều để suy ngẫm về việc tuân giữ ngày Sa Bát và điều nào chúng ta đang thực hiện để làm cho ngày này có ý nghĩa hơn mỗi tuần. 

Sự Chuẩn Bị Hằng Ngày 

Tôi không biết chắc, nhưng tôi đoán những người đi xe đạp đó đã không chỉ nhảy lên chiếc xe của họ vào buổi sáng hôm đó và quyết định để đạp lên ngọn núi. Vì sao? Bởi vì tôi biết nếu tôi đã thử làm điều đó, thì tôi chắc đã thất bại một cách đau khổ và chỉ có thể đi được khoảng 50 dặm của con dốc đó. Nhiều khả năng là họ đã bỏ ra nỗ lực mỗi ngày vào việc luyện tập thể chất để họ có thể có một chuyến đạp xe thành công. Cũng như vậy, chúng ta không thể chỉ có mặt ở buổi lễ Tiệc Thánh một lần mỗi tuần, không chuẩn bị gì cả, và hy vọng có được một kinh nghiệm thuộc linh. Chúng ta phải chuẩn bị cho điều đó mỗi ngày. 

Dân Giô Ram trong Sách Mặc Môn đã tham dự nhà thờ mỗi tuần. Nhưng theo thời gian, họ đã đánh mất sự tập trung vào điều trọng tâm nhất của phúc âm—Chúa Giê Su Ky Tô—và “rơi vào những lỗi lầm lớn lao”. Vì thế điều mà lẽ ra đã là một kinh nghiệm đầy ý nghĩa mỗi tuần đã trở thành chỉ là một buổi họp khác để tham dự. Và khi họ kết thúc, “họ đều trở về nhà và không còn nhắc nhở gì đến Thượng Đế của họ nữa cho đến khi họ lại cùng nhau tụ họp lại” (An Ma 31:9, 23). 

Để tránh những sai lầm tương tự như vậy, dưới đây là một số câu hỏi để suy ngẫm khi đánh giá sự chuẩn bị hằng ngày của chúng ta cho buổi lễ Tiệc Thánh mỗi tuần: 

  • Chúng ta đã thực hiện tất cả những sinh hoạt “chuẩn bị—ngày thứ Bảy” để giảm bớt sự căng thẳng trong ngày Sa Bát không? Một người bạn gần đây đã đăng trên Facebook rằng đối với gia đình cô ấy, hành động đơn giản của việc xếp sẵn những đôi giày để đi nhà thờ theo hàng bên cạnh chân tường và treo tất cả quần áo, nơ cài tóc, và cà vạt trên tay cầm của cánh cửa vào tối thứ Bảy làm cho kinh nghiệm buổi lễ Tiệc Thánh được ý nghĩa hơn. 

  • Chúng ta có cố gắng dạy cho con cái mình tầm quan trọng của sự trang nghiêm trong buổi lễ Tiệc Thánh không? Sự trang nghiêm không chỉ là giữ cho trẻ nhỏ để chúng yên lặng. Đó là một cảm giác yêu thương và tôn trọng dành cho giáo lễ thiêng liêng. Trẻ nhỏ có thể học hỏi sự trang nghiêm khi được khuyến khích một chút từ những người lớn đáng tin cậy. 

  • Chúng ta đã dạy những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn trong nhà và nhóm túc số của chúng ta về tầm quan trọng của bổn phận chức tư tế của họ trong lễ Tiệc Thánh không? Trong Giáo Lý và Giao Ước 13, chúng ta học được rằng Chức Tư Tế A Rôn nắm giữ chìa khóa của phúc âm về sự hối cải. Chúng ta có hiểu tầm quan trọng của vai trò đó không? Qua sự phục vụ thiêng liêng của họ mỗi tuần, họ đang mang đến cho mỗi chúng ta khả năng để hối cải và được tha thứ thông qua việc thực hiện Tiệc Thánh. 

  • Chúng ta có đi ngủ vào một giờ thích hợp vào tối thứ Bảy để có thể tỉnh táo trong lễ Tiệc Thánh không? 

  • Chúng ta có làm tất cả mọi điều cần thiết trong tuần để mời Thánh Linh vào cuộc sống của mình để khi đến ngày Chủ Nhật, chúng ta sẵn sàng và háo hức để có một kinh nghiệm ý nghĩa với Chúa trong buổi lễ Tiệc Thánh không? 

  • Chúng ta có sẵn sàng để đánh giá thái độ và hành vi cá nhân và thực sự giao tiếp với Đấng Cứu Rỗi trong khi Tiệc Thánh được thực hiện không? 

Trong phiên họp phụ nữ trung ương của đại hội gần đây, Chị Linda S. Reeves đã mạnh dạn nhắc các chị em rằng “các tiểu thuyết quyến rũ lãng mạn, loạt phim ủy mị nhiều tập trên truyền hình, phụ nữ có chồng tiếp xúc với bạn trai cũ trên phương tiện truyền thông xã hội, và hình ảnh sách báo khiêu dâm” là một số trong nhiều công cụ Sa Tan sử dụng để giữ chúng ta khỏi việc chuẩn bị cho các kinh nghiệm thuộc linh chúng ta tìm kiếm. Về những điều như vậy, chị đã khuyên dạy: “Khi chúng ta dính dáng đến việc xem, đọc, hoặc trải qua bất cứ điều gì thấp hơn tiêu chuẩn của Cha Thiên Thượng thì việc đó sẽ làm chúng ta suy yếu. Bất luận tuổi tác của các chị em là bao nhiêu đi nữa, nếu điều các chị em nhìn, đọc, lắng nghe, hoặc chọn để làm mà không đáp ứng các tiêu chuẩn của Chúa trong sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, thì hãy tắt nó đi, ném nó ra ngoài, xé nó, và đóng sầm cửa lại.” 

Sẵn Sàng để Đi 

Những người đạp xe mà tôi quan sát đã chuẩn bị trong mọi phương diện để có một chuyến đi thành công. Với đúng bộ trang phục, đúng đồ bảo hộ, và đúng trang bị, họ đã sẵn sàng để đạp lên ngọn núi. Khi chúng ta đến nhà hội cho lễ Tiệc Thánh mỗi tuần, chúng ta có chuẩn bị giống như vậy để có một kinh nghiệm thuộc linh không? 

Dưới đây là một số câu hỏi để suy ngẫm khi đánh giá các nỗ lực của chúng ta để góp phần tạo nên một buổi lễ Tiệc Thánh đầy ý nghĩa: 

  • Chúng ta có có ăn mặc theo cách mà phù hợp với ước muốn của mình để bày tỏ sự tôn trọng và yêu mến dành cho Chúa hay không? 

  • Chúng ta có đến với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, mong đợi để hối cải và học hỏi từ Đức Thánh Linh không? 

  • Chúng ta có đến sớm và hạn chế việc thăm hỏi trong giáo đường để duy trì cảm giác trang nghiêm mà nên có ở đây không? Yên lặng lắng nghe phần nhạc dạo là một cách tuyệt vời để chuẩn bị cho buổi lễ. 

  • Chúng ta có uống nước và sử dụng nhà vệ sinh trước khi buổi lễ bắt đầu không? 

  • Chúng ta có cố gắng giảm thiểu tất cả những sự xao lãng, bao gồm các thiết bị điện tử, đặc biệt trong khi thực hiện Tiệc Thánh không? Anh Cả Dallin H. Oaks đã dạy: “Khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh, chúng ta lập giao ước thiêng liêng rằng chúng ta sẽ luôn luôn tưởng nhớ Đấng Cứu Rỗi. Thật đáng buồn thay khi thấy những người hiển nhiên vi phạm giao ước đó trong chính buổi lễ mà họ đang lập giao ước.” 

  • Chúng ta có giải quyết những điều gây xao lãng của trẻ nhỏ theo các cách hữu hiệu không? Bởi vì mọi điều của Giáo Hội là về gia đình, trẻ nhỏ sẽ luôn là một phần trong lễ Tiệc Thánh. Nhưng chúng ta có thể đến và sẵn sàng để giải quyết với những điều gây xao lãng. Nếu là con cái của chính mình, chúng ta có thể đem chúng ra ngoài để góp phần vào sự trang nghiêm chung của buổi lễ. Và nếu trẻ em không phải là con cái của chúng ta, thì chúng ta có thể không để ý đến những điều gây sao lãng nhỏ nhặt và không phán xét hoặc thiếu kiên nhẫn hoặc thậm chí hãy đưa ra sự giúp đỡ nếu thích hợp. 

  • Chúng ta có hát những bài thánh ca được chọn với sự trang nghiêm và tôn trọng không? Các bài thánh ca là một phần làm nên buổi thờ phượng ý nghĩa, và chúng ta có thể mời và học hỏi từ Thánh Linh một cách hữu hiệu hơn khi tham dự. 

  • Chúng ta có mong đợi một kinh nghiệm thuộc linh trong buổi lễ Tiệc Thánh và giữ mình tỉnh táo và chú ý trong khi thực hiện Tiệc Thánh và khi có các bài nói chuyện không? 

  • Chúng ta có xem phần thực hiện Tiệc Thánh như là những giây phút đáng quý nhất trong tuần của mình không? Qua giáo lễ thiêng liêng này, Đấng Cứu Rỗi ban cho sự tha thứ, sức mạnh, và một cơ hội để nhớ về các giao ước mà chúng ta đã lập. 

Cũng giống như hầu hết mọi điều trong cuộc sống, chúng ta sẽ nhận được kinh nghiệm về buổi lễ Tiệc Thánh đúng như những gì chúng ta tìm kiếm. Nếu chúng ta mong đợi những điều tầm thường hoặc nhàm chán, chúng ta chắc chắn sẽ nhận được điều chúng ta muốn. Nhưng nếu chúng ta đi mỗi tuần chân thành tìm kiếm một kinh nghiệm thuộc linh, một kinh nghiệm mà chúng ta có thể giao tiếp với Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô của chúng ta— và chúng ta sẵn lòng bỏ ra nỗ lực để đạt được điều đó—chúng ta sẽ thấy rằng trong khoảng một giờ đồng hồ mỗi tuần, chúng ta đang có một kinh nghiệm tuyệt vời mà khiến chúng ta nói rằng “Vâng, điều đó đáng giá mỗi điều tôi đã làm để đến đây.” 

Nếu anh chị em muốn tìm hiểu thêm về cách cải thiện kinh nghiệm cho buổi lễ Tiệc Thánh của mình, hãy đọc bài nói chuyện của Anh Cả Dallin H. Oaks “Buổi Họp Tiệc Thánh và Lễ Tiệc Thánh” hoặc bài nói chuyện của Chủ Tịch Russell M. Nelson “Thờ Phượng tại Lễ Tiệc Thánh,” hoặc xem video “Purposes of Sacrament Meeting (Các Mục Đích của Lễ Tiệc Thánh).” Để có một số gợi ý hay khác, hãy đọc bài “Để Tiệc Thánh Có Hiệu Quả Nhất.”