Vui Hưởng Lễ Tiệc Thánh cùng Con Cái 

Với sự giúp đỡ, trẻ nhỏ có thể học để trở nên trang nghiêm. 

Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã bị thuyết phục để tin rằng cha tôi có đôi cánh tay dài nhất thế giới. Bất cứ khi nào một trong số chúng tôi thì thầm, than vãn, nháy mắt hoặc làm bất cứ điều gì khác mà Cha cho rằng không trang nghiêm, thì chúng tôi đều bị bừng tỉnh và trang nghiêm trở lại trong buổi lễ nhà thờ sau khi bị gõ nhẹ vào phía sau đầu. Bất kể chúng tôi ngồi ở chỗ nào trong nhóm gia đình ở nhà thờ, Cha đều có thể với được chúng tôi. 

Biết rằng không thể thoát được cánh tay dài của Cha, chúng tôi thường ngồi như những thiên thần miễn cưỡng trong buổi lễ, nhưng việc giữ im lặng không làm cho chúng tôi yêu thích nhà thờ. 

Nhiều năm sau đó, khi lần đầu tôi tham dự buổi lễ Tiệc Thánh của Thánh Hữu Ngày Sau và đã bị sốc bởi hành vi ngỗ nghịch của hầu hết trẻ em. Nếu cha tôi đã ở đó, ông chắc sẽ dang cánh tay ra để dạy cho những đứa trẻ này về sự trang nghiêm. 

Khoảng mười năm sau lần đầu tham dự buổi lễ Tiệc Thánh đó, tôi đã ngồi lại trong giáo đường LDS (Các Thánh Hữu Ngày Sau), nhưng lần này tôi là một tín hữu của Giáo Hội và một người cha đang vật lộn với những đứa con bướng bỉnh của chính mình. 

“Phải có cách nào đó tích cực để dạy con cái chúng ta về sự trang nghiêm”, “Anh không muốn chúng khiếp sợ nhà thờ như anh đã từng.” Tôi nói với vợ mình. 

Kể từ đó, vợ tôi và tôi đã tìm nhiều cách để giúp bốn đứa con của chúng tôi, tất cả đều dưới tám tuổi, để chúng trang nghiêm trong khi ở nhà thờ. Chúng không luôn luôn mẫu mực, trang nghiêm, nhưng phần lớn thời gian chúng đủ trang nghiêm, và điều quan trọng hơn, chúng đang học cách để yêu thích lễ Tiệc Thánh. 

Dưới đây là một số điều chúng tôi đã học được khi “đã thử nghiệm và mắc lỗi” cách thức của mình để có được sự trang nghiêm trong buổi lễ Tiệc Thánh. Những ý kiến này có hiệu quả cho chúng tôi; các gia đình khác có thể có những cách thức khác nhưng vẫn mang hiệu quả tương tự về việc khuyến khích sự trang nghiêm. 

Tự mình trở nên trang nghiêm 

Điều quan trọng là cha mẹ làm gương cho con cái thấy rằng sự trang nghiêm trong buổi lễ Tiệc Thánh là quan trọng. Chúng ta không thể trông đợi con cái mình biết cư xử ở nhà thờ khi chính chúng ta không biết cư xử. 

Khi tôi còn trong giám trợ đoàn, tôi đã có nhiều cơ hội để thấy các cha mẹ làm gương cho con cái họ trong buổi lễ Tiệc Thánh. Rất nhiều người trang nghiêm, và con cái họ cũng làm giống như vậy. Nhưng tôi cũng thấy một vài cha mẹ đứng ở phía cuối giáo đường và bế những đứa con nhỏ trong tay họ, dùng buổi lễ như một thời gian để trò chuyện với bạn bè. Những người khác thì đọc, viết, hoặc ngủ tiếp. Con cái của họ thường cũng không trang nghiêm. 

Là cha mẹ, chúng ta có trách nhiệm với bản thân và với con cái của mình để là những người tham dự tích cực trong buổi lễ Tiệc Thánh, chứ không phải là một người xem khác biệt. Chúng ta cần chú ý đến điều người nói chuyện đang nói. Rồi khi về nhà, chúng ta nên thảo luận những bài nói chuyện trong buổi lễ Tiệc Thánh và điều chúng ta học hỏi được từ các bài nói chuyện đó. 

Giảng dạy con cái của mình 

Sau khi chúng ta cải thiện chính hành vi của mình trong buổi lễ Tiệc Thánh, chúng ta giảng dạy con cái mình chính xác về cách chúng ta mong đợi chúng cư xử ở nhà thờ. 

Những lần cố gắng đầu tiên của chúng tôi gồm có việc đem chúng ra sảnh chờ khi chúng không ngoan, là điều cần thiết để những người khác có thể vui hưởng buổi họp. Phương pháp này mang lại các kết quả lẫn lộn. Những đứa con ồn ào của chúng tôi sẽ không làm gián đoạn tinh thần của buổi lễ, nhưng vợ tôi và tôi sẽ bị lỡ nhiều điều đang diễn ra. Trên hết, con cái của chúng tôi đã thấy rằng sự tự do và niềm vui ở ngoài sảnh chờ thì đáng mong đợi hơn là buổi lễ Tiệc Thánh. 

Sau khi xem lại vì sao chúng tôi đã thất bại, chúng tôi đã thay đổi cách thức và chiến đấu với việc giữ trang nghiêm trong lễ Tiệc Thánh tại nhà thay vì ở nhà thờ. Trong buổi họp tối gia đình và những lần khác trong tuần, chúng tôi đã để cho con cái mình thực hành việc ngồi yên lặng. Khi chúng tôi tập trung các bài học vào mục đích của buổi lễ Tiệc Thánh, chúng tôi đã giải thích cho con cái mình về lý do tại sao chúng ta ăn bánh và uống nước. Chúng tôi nói với chúng về sự hy sinh của Đấng Ky Tô và giải thích rằng lễ Tiệc Thánh là một thời gian để chúng nghĩ về Chúa Giê Su. 

Sau chỉ một tuần, hiệu quả rất đáng chú ý, và sau ba hoặc bốn tuần, những đứa con lớn của chúng tôi đã thực sự bắt đầu ngồi yên lặng trong hầu như cả buổi lễ. 

Hãy hành động khi chúng không trang nghiêm 

Tất nhiên, trẻ em thỉnh thoảng vẫn sẽ không trang nghiêm, nhưng khi chúng như vậy, chúng ta biết mình cần phải làm nhiều hơn, thay vì chỉ đem chúng ra ngoài để gia nhập hội những người đem con ra sảnh chờ. Cha tôi đã nói rõ với chúng tôi rằng ông muốn chúng tôi ở trong nhà thờ, chứ không phải ở xung quanh nhà thờ. Sau khi xem xét phương pháp của Cha và lắng nghe một bài nói chuyện về kỷ luật, vợ tôi và tôi đã nhận ra rằng việc đem những đứa con không trang nghiêm ra khỏi buổi lễ Tiệc Thánh thì chỉ giải quyết vấn đề tạm thời, nhưng nó không giúp khuyến khích chúng để tránh việc không trang nghiêm trong tương lai. Chúng tôi đã quyết định dạy con cái mình rằng việc được ở trong buổi lễ Tiệc Thánh sẽ thoải mái hơn nhiều so với việc ở bên ngoài rìa buổi họp. 

Chủ Nhật kế tiếp, đứa con trai hai tuổi của tôi đã nổi một cơn giận tồi tệ. Ngay lập tức tôi đã đem nó ra khỏi giáo đường, nhưng lần này tôi đã không chỉ dừng lại ở sảnh chờ. Tôi tìm một lớp học trống ở cuối hành lang, ngồi xuống một chiếc ghế gập, và giữ chặt nó trong lòng mình. 

Trong một phút nó đã bình tĩnh lại và vùng vẫy để chạy đi. Hành động đầu tiên của tôi là để nó xuống, nhưng tôi đã quyết định để giữ nó trong lòng mình. Nó phàn nàn, và tôi đã giải thích cho nó rằng nó sẽ bị giữ trong lòng tôi, đứng im hết sức có thể, cho đến khi nó thấy đã đến lúc để trở lại buổi lễ Tiệc Thánh và ngồi nghiêm trang. 

Đối với đứa con hai tuổi hay hiếu động của tôi, hình phạt này là tệ nhất mà nó nhận được. Sau mười phút nài nỉ, cựa quậy, và gào khóc, nó nhận ra rằng tôi thực sự nghiêm túc, và nó đã hỏi liệu nó có thể quay trở lại buổi lễ Tiệc Thánh không. 

“Con trai, con sẽ nghiêm trang chứ?” Tôi hỏi. 

Nó gật đầu. 

“Và nếu con không nghiêm trang, thì điều gì sẽ xảy ra?” Nó chỉ vào chiếc ghế. 

Chúng tôi quay trở lại buổi lễ, và nó đã ngồi im lặng một cách ngoan ngoãn. Con trai và những đứa con gái của chúng tôi vẫn có những lúc chúng không trang nghiêm vào những ngày Chủ Nhật khác khi chúng bị đưa ra khỏi buổi lễ Tiệc Thánh, nhưng không mất thời gian lâu để chúng biết rằng chúng muốn được sự tự do trong buổi lễ Tiệc Thánh hơn là bị phạt ngồi trong lòng Cha trong một phòng học yên ắng ở cuối hành lang. 

Thường thì, tốt hơn và dễ hơn để tránh việc không trang nghiêm so với việc phải giải quyết với điều đó ở nhà thờ. Biết rằng con cái chúng tôi sẽ không thể lắng nghe hoặc hiểu tất cả các bài nói chuyện trong buổi lễ Tiệc Thánh, chúng tôi đã hoạch định các sinh hoạt im lặng thay thế cho chúng khi chúng bắt đầu thấy chán. 

Tất cả những đứa con của chúng tôi, kể cả đứa bé nhất, đều yêu thích việc đọc và nhìn vào các câu chuyện thánh thư được minh họa dành cho trẻ em do Giáo Hội xuất bản. Chúng tôi cũng đem theo một số bút chì màu, giấy trắng cho những đứa bé hơn để vẽ lên khi chúng bắt đầu ngọ nguậy. Những đứa con lớn hơn cũng được phép vẽ, nhưng chúng tôi khuyến khích chúng vẽ tranh liên quan đến các bài nói chuyện đang được đưa ra. 

Chúng tôi cũng thấy rằng trò chơi, thức ăn, món quà, và đồ chơi thường gây ra hỗn loạn và ồn ào trong buổi lễ hơn là chúng có thể giúp ngăn lại việc không trang nghiêm. 

Hãy nhớ rằng trẻ con vẫn chỉ là trẻ con 

Chúng tôi không mong đợi con cái mình hoàn hảo ở nhà thờ bởi vì chúng tôi biết ở độ tuổi của chúng thì đôi khi nằm ngoài khả năng của chúng để tự kiểm soát mình. Nhưng vợ tôi và tôi đã có một mục tiêu để vui hưởng buổi lễ Tiệc Thánh. Khi một trong những đứa con của chúng tôi cư xử không đúng mực, chúng tôi sẽ nhanh chóng xử lý và kiềm chế cảm xúc của mình nhất có thể. 

Chúng ta có được sự hóm hỉnh thì cũng hữu ích. Nếu một đứa con trong gia đình tôi lộn ngược ra đằng sau ghế ngồi hoặc mấy đứa bé vô ý đứng trên bục chủ tọa, chúng tôi cố gắng để giữ bình tĩnh, ngưng lại hành vi của chúng, đem chúng ra ngoài nếu cần, và tự nhủ bản thân rằng, một ngày nào đó—có lẽ—chúng tôi sẽ thầm cười khúc khích về những sự cố như vậy. 

Nếu anh chị em chỉ có một mình và có quá nhiều con cái, anh chị em vẫn có thể giữ trang nghiêm—với một chút giúp đỡ. Khi tôi được kêu gọi vào giám trợ đoàn, vợ tôi phải tự mình xử lý mấy đứa con của chúng tôi. Sau một vài Chủ Nhật, cô ấy cảm thấy nhiệm vụ này quá sức và quá mệt mỏi, vì thế chúng tôi hỏi một cặp vợ chồng đã về hưu trong tiểu giáo khu để ngồi bên cạnh gia đình chúng tôi vào mỗi Chủ Nhật để xử lý những điều kỳ cục mà mấy đứa con sẽ làm. Họ sẵn lòng đồng ý, và giờ đây con cái chúng tôi yêu thích việc ngồi bên cạnh “ông bà” của chúng. 

Trong gia đình, chúng tôi cố gắng để bảo đảm việc tham dự nhà thờ là một kinh nghiệm tích cực cho chúng tôi và bọn trẻ. Với một chút thực hành và hoạch định, và rất nhiều sự kiên nhẫn, chúng tôi đang giúp con cái mình học cách trân trọng buổi lễ Tiệc Thánh và tham gia một cách trang nghiêm.