Sứ Điệp của Lãnh Đạo Giáo Vùng Châu Á (Tháng Chín 2024)

Hãy Noi Theo Đấng Cứu Rỗi Bằng Cách Phục Sự Người Khác

Việc chủ động hỏi thăm một ai đó không những đòi hỏi tình yêu thương chân thành và sự thấu hiểu, mà còn phải có thêm sự kiên nhẫn.

Anh Cả Suchat Chaichana
Anh Cả Suchat Chaichana Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng

Tháng này, Chủ Tịch Russell M. Nelson sẽ đón sinh nhật lần thứ 100 của ông. Ông đã đăng trên trang Facebook chính thức của mình rằng ông không cần những món quà vật chất, nhưng điều duy nhất có thể khiến cho cuộc sống của ông ý nghĩa hơn, bằng cách là mỗi người chúng ta “chủ động quan tâm ‘một người’ trong cuộc sống của mình, người mà có thể đang cảm thấy lạc lõng hoặc cô đơn… bất kỳ ai cần giúp đỡ.”[1]

Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô đã cho chúng ta thấy nhiều tấm gương tuyệt vời trong suốt giáo vụ hoàn hảo của Ngài. Những tấm gương này bao gồm sự chữa lành của Ngài cho người phụ nữ bị xuất huyết, người bị coi là “ô uế”, tình yêu thương và sự chữa lành dành cho mười người phung bị xã hội xa lánh, lòng trắc ẩn đối với người phụ nữ bị bắt vì phạm tội tà dâm mà nhiều người đã sẵn sàng ném đá, và việc Ngài tha thứ cho những người lính La Mã đã chế nhạo, đâm và đóng đinh Ngài.[2]

Một trong những câu chuyện đẹp nhất trong Sách Mặc Môn được ghi lại trong Sách Nê Phi thứ ba. “Và chuyện rằng, đám đông tiến lên. Họ để tay lên hông Ngài và rờ các dấu đinh đóng trên tay Ngài và trên chân Ngài; và cứ thế họ tuần tự từng người một tiến lên...”[3] Có khoảng 2500 người Nê Phi, cả đàn ông, đàn bà và trẻ em tụ tập quanh đền thờ ở xứ Phong Phú.[4]  Hãy tưởng tượng nếu mỗi người dành một phút để chạm vào Chúa Giê Su Ky Tô. Phải mất bao lâu để mọi người chạm vào Ngài? Đấng Cứu Rỗi đang dạy chúng ta điều gì? Ngài đang dạy rằng việc chủ động hỏi thăm một ai đó không những đòi hỏi tình yêu thương chân thành và sự thấu hiểu, mà còn phải có thêm sự kiên nhẫn nữa. Kết quả sẽ mang lại niềm vui ngập tràn.  

 


“Hãy ghi nhớ rằng dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao.”

Giáo Lý và Giao Ước 18:10

Kể từ khi được kêu gọi làm Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng, tôi đã đi hàng trăm dặm và đến thăm nhiều làng mạc và thị trấn trong Giáo Vùng Châu Á. Phần lớn chuyến đi này là để thăm các tín hữu, đặc biệt là những người cần được giúp đỡ. Tôi muốn làm chứng rằng họ thực sự khao khát có ai đó đến với họ. Điều này có thể là vì nhu cầu vật chất hoặc thế tục, nhưng thường là cả về mặt thuộc linh nữa. Vào một ngày cuối tuần, tôi đã đến thăm một chi nhánh nhỏ ở miền bắc Thái Lan. Chủ tịch chi nhánh đã nhờ tôi đến thăm một người tín hữu khuyết tật, anh đã là tín hữu của giáo hội hơn ba mươi năm nhưng đã không đến nhà thờ trong một thời gian dài vì một tai nạn khiến anh không thể đi lại dễ dàng. Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để tìm nhà của anh ấy. Cuối cùng, chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi sẽ phải đỗ xe trên đường chính và đi bộ xuống một con đường đất hẹp và dài. Liếc nhìn đồng hồ, tôi phát hiện ra rằng chúng tôi đã muộn hơn một tiếng và tôi gần như đã bỏ cuộc. Nhưng rồi, tôi nhận ra rằng anh ấy đã chờ đợi chúng tôi đến thăm cả ngày và chúng tôi chỉ còn cách vài phút đi bộ là đến được chỗ anh ấy. Khi chúng tôi đến nhà anh ấy, tôi đã rất ngạc nhiên! Anh ấy là cậu thanh niên mà tôi đã gặp lần đầu tiên cách đây 46 năm khi tôi đang phục vụ với tư cách là một người truyền giáo trẻ tuổi trong chi nhánh nhỏ này. Anh ấy đã rất thích đi theo những người truyền giáo và đã giúp chúng tôi giảng dạy cho những người tầm đạo. Tôi đã không gặp anh ấy kể từ khi hoàn thành công việc truyền giáo của mình, mặc dù sau đó tôi được biết rằng anh ấy đã phục vụ truyền giáo toàn thời gian. Tôi cũng nghe nói rằng sau khi trở về nhà từ công việc truyền giáo của mình, có điều gì đó đã xảy ra trong cuộc sống của anh ấy và anh ấy đã trở nên kém tích cực. Cuộc hội ngộ bất ngờ này đã mang lại cho cả hai chúng tôi niềm vui lớn lao. Chính vì bị khuyết tật mà anh ấy không thể đến nhà thờ. Sau chuyến thăm này, chủ tịch chi nhánh đã lập một kế hoạch. Ông đã yêu cầu các anh cả và các vị lãnh đạo chức tư tế đến thăm nhà của anh ấy vào mỗi ngày Chủ Nhật để phục sự, ban phước và truyền tiệc thánh cho anh ấy.  

Hãy Noi Theo Đấng Cứu Rỗi Bằng Cách Phục Sự Người Khác

Kinh nghiệm này đã giúp tôi thực sự hiểu được ý Chúa khi Ngài phán với chúng ta rằng: “Hãy ghi nhớ rằng dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao.”[5]

Một lần nữa, tôi xin nhắc lại sứ điệp của vị tiên tri của chúng ta: “Tôi mời các anh chị em hãy thành tâm cân nhắc: anh chị em có biết ai có thể đang nản lòng không? Anh chị em có cần làm hòa hoặc cầu xin sự tha thứ từ ai đó không? Gần đây, anh chị em có suy nghĩ đến tên của một ai đó cho dù anh chị em chẳng biết lý do tại sao không? Khi anh chị em mang những câu hỏi này đến với Chúa, Ngài sẽ soi dẫn anh chị em biết cách thức để anh chị em có thể tìm đến và nâng đỡ một người nào đó cần được giúp đỡ. Đấng Cứu Rỗi đã cho chúng ta thấy một tấm gương tuyệt vời biết bao—rằng thông qua việc mỗi người chúng ta phục sự dù chỉ một người trong khả năng của mình, chúng ta có thể đem tình yêu thương của Chúa Giê Su Ky Tô đến khắp thế gian.”[6]

 


[1]Russell M. Nelson, Facebook, ngày 1 tháng 6 năm 2024, 

[2] Lu Ca 8:43-48, Lu Ca 17:11-19, Giăng 8:1-11, Lu Ca 23:39-43

[3] 3 Nê Phi 11:13-17

[4] 3 Nê Phi 17:25

[5] Giáo Lý và Giao Ước 18:10

[6] Nelson, Facebook