Sứ Điệp của Các Vị Lãnh Đạo Giáo Vùng Châu Á (tháng tư 2024)

Lời Cầu Nguyện, Một Cơ Hội Để Gia Tăng Đức Tin Của Anh Chị Em

Tôi dần hiểu ra rằng tôi cần đức tin để cầu nguyện, nhưng khi tôi cầu nguyện và trải nghiệm các thành quả của lời cầu nguyện thì đức tin của tôi nơi Thượng Đế được gia tăng.

Anh Cả Kelly R. Johnson
Anh Cả Kelly R. Johnson Đệ Nhất Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng Châu Á

Các Vị Sứ Đồ đầu tiên của Chúa Giê Su Ky Tô đã khẩn nài xin Chúa, “Xin thêm đức tin cho chúng tôi” (Lu Ca 17:5). Lời khẩn nài này của Các Vị Sứ Đồ được thực hiện dưới dạng mội lời thỉnh cầu, có lẽ họ đang cầu xin một ân tứ được ban không để có đức tin lớn lao hơn, nhưng Đấng Cứu Rỗi đã đáp lại qua việc giảng dạy bằng một câu nói và một câu chuyện ngụ ngôn, xem lời thỉnh cầu của họ như thể đó là câu hỏi, “Làm thế nào chúng ta có thể gia tăng đức tin của mình?” Giống như những Vị Sứ Đồ này, việc gia tăng đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô là một trong những nhu cầu lớn nhất của chúng ta ngày nay.

Thi Thiên chương 78 trình bày một bản tóm tắt tuyệt vời về lòng thương xót Thượng Đế ban cho dân Y Sơ Ra Ên, gồm cả việc đưa họ ra khỏi Ai Cập, chu cấp cho họ trong vùng hoang dã, và cho họ quyền sở hữu đất hứa. Chương này cũng kể câu chuyện về một đội quân được trang bị để chiến đấu nhưng đã bị đưa trở lại trong ngày chiến trận vì họ không tuân giữ giao ước của Thượng Đế, không chịu tuân theo luật pháp của Ngài, và quên đi những gì Thượng Đế đã làm. Để tránh khỏi những vấn đề tương tự, lời cầu nguyện là một trong những phước lành lớn lao chúng ta có để giúp bảo đảm rằng chúng ta tuân giữ các giao ước chúng ta đã lập với Thượng Đế, bước đi một cách trung tín trong luật pháp của Ngài, và ghi nhớ những điều Thượng Đế đã làm cho chúng ta.

Lời cầu nguyện là một hành động của đức tin về việc chúng ta chuyên tâm tìm kiếm Thượng Đế. Như đã được dạy trong Hê Bơ Rơ 11:6, khi chúng ta đến với Thượng Đế qua lời cầu nguyện, chúng ta phải có hai điều. Thứ nhất, tin rằng Thượng Đế thực sự hiện hữu. Thứ hai, tin rằng Ngài sẽ tưởng thưởng cho chúng ta vì Ngài quan tâm và hồi đáp lại những lời cầu nguyện của chúng ta. Đức tin này sẽ dẫn chúng ta tiếp cận lời cầu nguyện theo cách mà Nê Phi đã mô ta khi ông nói, “tôi, Nê Phi, trở về … sau khi được ngỏ lời với Chúa.” Tôi thấy điều đáng học hỏi là Nê Phi đã nói chuyện với Chúa chứ không phải chỉ nói với Chúa. Nê Phi đã mô tả về việc nói chuyện với Chúa có nghĩa là một giao tiếp hai chiều, chứ không phải chỉ là lời cầu xin cho các phước lành theo hướng một chiều, mà có thể là mẫu mực cho nhiều lời cầu nguyện của chúng ta.
 


“Bất cứ điều gì ngươi xin với đức tin, và tin tưởng rằng mình sẽ được ban cho trong danh Đấng Ky Tô, thì ngươi sẽ nhận được.”

Ê Nót 1:15

Như đã được mô tả, đức tin và lời cầu nguyện là không thể tách rời. Nếu chúng ta có đức tin rằng Thượng Đế hiện hữu và muốn giao tiếp với chúng ta thì chúng ta sẽ cầu nguyện. Khi chúng ta cầu nguyện, và nói chuyện với Chúa, chúng ta phát triển đức tin một cách tự nhiên khi chúng ta cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm và các phước lành của Thượng Đế.

Đức tin của tôi đã phát triển khi tôi cảm nhận được mối quan hệ không thể tách rời giữa đức tin và lời cầu nguyện. Tôi yêu thích lời hứa của Chúa rằng, “Bất cứ điều gì ngươi xin với đức tin, và tin tưởng rằng mình sẽ được ban cho trong danh Đấng Ky Tô, thì ngươi sẽ nhận được.” (Ê Nót 1:15).

Con trai của chúng tôi là Jace được sinh ra với tật liền khớp sọ sớm, một tình trạng gọi là dính đường khớp dọc. Không như một đứa trẻ bình thường khi được sinh ra với một hộp sọ có thể phát triển, hộp sọ của Jace đã hoàn toàn liền lại khiến cho đầu của em ấy không thể phát triển được. Giải pháp duy nhất là thực hiện phẫu thuật khi em ấy ba tháng tuổi. Ca phẫu thuật yêu cầu loại bỏ một mảnh rộng 2-inch (khoảng 5 centimét) khỏi hộp sọ của Jace từ phần trán cho đến sau đầu. Ca phẫu thuật này rất đáng lo ngại, nhưng cũng đáng lo ngại không kém là việc Jace không được ăn trong 12 tiếng trước ca phẫu thuật. Chúng tôi đã nghĩ rằng một em bé 3 tháng tuổi sẽ không thể nhịn ăn trong suốt 12 tiếng mà không cảm thấy khó chịu và quấy khóc. Là những bậc cha mẹ lo lắng, chúng tôi không còn nơi nào để nương tựa ngoài Thượng Đế. Chúng tôi dâng lên những lời cầu nguyện với đức tin, đặt niềm tin vào lời hứa ở Ê Nót rằng bất cứ điều gì chúng tôi cầu nguyện đều sẽ được ban cho. Chúng tôi đã cầu nguyện rằng ca phẫu thuật sẽ diễn ra thành công và Jace sẽ không quấy khóc và khó chịu khi không được ăn trong 12 tiếng. Sau khi cầu nguyện với đức tin, chúng tôi được an ủi nhờ câu thánh thư, “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời” (Thi Thiên 46:10).
 

Lời Cầu Nguyện, Một Cơ Hội Để Gia Tăng Đức Tin Của Anh Chị Em

Mặc dù Jace thường thức dậy hai lần mỗi đêm để ăn sữa nhưng đêm đó Jace đã ngủ suốt đêm. Em ấy đã rất bình yên, không quấy khóc và vui vẻ suốt buổi sáng mặc dù chúng tôi không cho em ấy ăn sữa. Chúng tôi đến bệnh viện và được thông báo rằng ca phẫu thuật sẽ được lùi lại hai tiếng. Jace vẫn rất bình yên, không quấy khóc và vui vẻ trong hai tiếng chờ đợi thêm đó. Cuối cùng, sau 14 tiếng không được ăn mà không quấy khóc hay có bất kỳ sự khó chịu nào, Jace đã có một ca phẫu thuật thành công. Khi tôi chứng kiến những lời cầu nguyện của chúng tôi được đáp lại, đức tin cá nhân của tôi nơi Thượng Đế đã gia tăng.

Tôi dần hiểu ra rằng tôi cần đức tin để cầu nguyện, nhưng khi tôi cầu nguyện và trải nghiệm các thành quả của lời cầu nguyện thì đức tin của tôi nơi Thượng Đế được gia tăng. Đây thực sự là một vòng lặp - khi tôi thể hiện đức tin bằng cách cầu nguyện, đức tin của tôi sẽ gia tăng vì tôi cảm nhận được lòng nhân từ của Thượng Đế qua những lời cầu nguyện của mình. Tôi làm chứng rằng đức tin của chúng ta sẽ gia tăng khi chúng ta cầu nguyện với đức tin.