Sứ Điệp của Các Vị Lãnh Đạo Giáo Vùng Châu Á (April 2022)

Các Giáo Lễ Tiệc Thánh

Là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể đưa ra một lời mời đầy yêu thương dành cho bạn bè của mình và tất cả các tín hữu ít gặp mà chúng ta biết và yêu thương, đến dự lễ Tiệc Thánh nơi mà tất cả chúng ta đều có thể cảm thấy được yêu thương và xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Anh Cả Ting-Tsung Chang
Anh Cả Ting-Tsung Chang thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi

Khi chúng ta cố gắng để trở thành môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, Tiệc Thánh là giáo lễ quen thuộc và có ý nghĩa nhất trong cuộc sống của chúng ta. Chúa Giê Su thiết lập Tiệc Thánh để nhắc nhở chúng ta về Sự Chuộc Tội của Ngài vào cuối Bữa Ăn Tối Cuối Cùng. Giờ đây, chúng ta biết ơn và vui mừng vì chúng ta có thể dự phần Tiệc Thánh và tái lập cùng tuân giữ các giao ước của mình mỗi tuần.

 

Qua giáo lễ Tiệc Thánh, chúng ta giao ước sẽ luôn luôn tưởng nhớ tới Chúa Giê Su Ky Tô, sẵn lòng mang danh Ngài, và hứa tuân giữ các giáo lệnh của Ngài như đã được nêu ra trong lời cầu nguyện Tiệc Thánh. [1] Ngoài ra, Chúa hứa với chúng ta rằng chúng ta sẽ nhận được sự xá miễn các tội lỗi của mình qua Sự Chuộc Tội của Ngài, luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta, và có được sự hiểu biết, đức tin, quyền năng, và sự ngay chính để đạt được cuộc sống vĩnh cửu. [2]

 

Trong 6 năm qua, tôi biết ơn rằng tôi đã có thể ban phước Tiệc Thánh cho mẹ tôi mỗi ngày Sa Bát tại nhà của bà vì thể chất suy nhược của bà. Mỗi lần dự phần Tiệc Thánh, bà suy ngẫm và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn của mình. Chúng tôi luôn cảm thấy một điều gì đó đặc biệt trong thời gian này khi tôi dâng lên lời cầu nguyện Tiệc Thánh một cách chậm rãi và rõ ràng. Trong căn phòng với chúng tôi, chúng tôi đã vô cùng cảm động bởi Thánh Linh. Qua bầu không khí nghiêm trang và giáo lễ thiêng liêng mà chúng tôi tham dự, lòng chúng tôi được hiệp một trong Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng tôi được nhắc nhở về sự bình an mà Chúa ban cho các tín đồ của Ngài và về niềm hy vọng được trở về với Cha Thiên Thượng một ngày nào đó. Điều này đặc biệt đúng vào tháng Bảy năm ngoái khi mẹ tôi qua đời ở tuổi 99. Mặc dù cái chết của một người thân yêu là điều khó khăn đối với hầu hết mọi người, nhưng tôi cảm thấy an ủi và bình an trong thời gian đó nhờ vào sự hiểu biết và đức tin của tôi nơi Sự Chuộc Tội.


Trong những ngày phía trước, chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được về mặt thuộc linh nếu không có ảnh hưởng dìu dắt, chỉ dẫn, an ủi và liên tục của Đức Thánh Linh.

Chủ Tịch Russell M. Nelson

Chúng ta sống trong một thời kỳ hỗn loạn. Những căng thẳng về kinh tế, sự bất an xã hội, các vấn đề gia đình và hôn nhân, đại dịch COVID-19, và thiên tai là một số thử thách chúng ta đang gặp phải. Mặc dù người khác có thể cảm thấy quá sức chịu đựng, nhưng chúng ta không cần phải để cho nỗi sợ hãi của mình đánh bại chúng ta. Thay vì thế, chúng ta nên biết ơn rằng chúng ta được hứa là chúng ta có thể “luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta.” Bằng cách dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần, chúng ta có thể nghe tiếng nói của Thánh Linh Ngài mách bảo sự hướng dẫn, an ủi, và bình an của Ngài trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Bằng cách yên lặng, chúng ta có thể lắng nghe tiếng nói của Ngài, nhận được sự mặc khải cá nhân, và cảm thấy bình an. “Trong những ngày phía trước, chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được về mặt thuộc linh nếu không có ảnh hưởng dìu dắt, chỉ dẫn, an ủi và liên tục của Đức Thánh Linh.” [3]

 

Anh Dale G. Renlund đã dạy: “Việc dự phần Tiệc Thánh là giáo lễ kế tiếp mà mọi người cần sau khi được làm lễ xác nhận là tín hữu của Giáo Hội. Tiệc Thánh là giáo lễ kế tiếp cần thiết sau khi tiếp nhận lễ thiên ân hoặc được làm lễ gắn bó trong đền thờ. Tiệc Thánh là giáo lễ kế tiếp cần thiết sau khi đã chọn điều đúng và giáo lễ kế tiếp cần thiết sau khi đã chọn sai. Tiệc Thánh là giáo lễ kế tiếp cần thiết mỗi tuần trong suốt cuộc đời còn lại của chúng ta.” [4]

Các Giáo Lễ Tiệc Thánh

Cho dù chúng ta bao nhiêu tuổi, chúng ta sống bao lâu, hoặc điều gì xảy ra trong cuộc sống của mình, giáo lễ Tiệc Thánh vào ngày Sa Bát giúp chúng ta tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc sống hằng ngày của mình, cũng như gây dựng tâm hồn chúng ta.

Như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã khuyên nhủ: “Khi điểm tập trung của cuộc sống chúng ta là vào Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài, thì chúng ta có thể cảm thấy niềm vui bất kể điều gì đang xảy ra—hoặc không xảy ra—trong cuộc sống của mình. Niềm vui đến từ Ngài và vì Ngài. Ngài là nguồn gốc của tất cả mọi niềm vui.” [5]

 

Chúng ta yêu mến Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và cảm nhận được tình yêu thương của hai Ngài dành cho chúng ta. Chúng ta noi theo Đấng Cứu Rỗi và cố gắng yêu thương những người lân cận như Ngài đã làm. Chúng ta muốn những người khác cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta có thể chia sẻ thời gian, nguồn lực, và kinh nghiệm cá nhân của mình để ban phước cho bạn bè và gia đình của họ. Chúng ta muốn họ cảm nhận được niềm vui đến từ Đấng Cứu Rỗi, phúc âm của Ngài, và Giáo Hội của Ngài. “Giáo lễ Tiệc Thánh làm cho buổi lễ Tiệc Thánh thành buổi họp thiêng liêng và quan trọng nhất trong Giáo Hội.” [6] Là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể đưa ra một lời mời đầy yêu thương dành cho bạn bè của mình và tất cap các tín hữu ít gặp mà chúng ta biết và yêu thương, đến dự lễ Tiệc Thánh nơi mà tất cả chúng ta đều có thể cảm thấy được yêu thương và xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Đây là công việc của Ngài. Đây là Giáo Hội của Ngài.

 


Ghi chú:

[1] Giáo Lý và Giao Ước 20:77, 79.

[2] Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 26:22, 24; 3 Nê Phi 18:12.

[3] Russell M. Nelson, “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 96.

[4] Dale G. Renlund, “Lifelong Conversion,” bài nói chuyện tại buổi họp đặc biệt devotional BYU, ngày 14 tháng Chín năm 2021.

[5] Russell M. Nelson, “Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 82.

[6] Dallin H. Oaks, “Buổi Họp Tiệc Thánh và Lễ Tiệc Thánh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 18.