Sứ Điệp của Vị Lãnh Đạo Giáo Vùng

Sự Phục Hồi Vẫn Tiếp Tục

Anh Cả Ting-Tsung Chang
Anh Cả Ting-Tsung Chang Thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi

Vị Sứ Đồ Phi E Rơ đã tiên tri cho dân chúng rằng: “Vậy, các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi, hầu cho kỳ thơ thái đến từ Chúa, và Chúa sai Đấng Ky Tô đã định cho các ngươi, tức là Giê Su, mà trời phải rước về cho đến kỳ muôn vật đổi mới, là kỳ mà Đức Chúa Trời thuở xưa đã phán trước bởi miệng các thánh tiên tri.”1 Chúng ta nhận ra rằng “kỳ thơ thái” sẽ đến vào những ngày sau cùng và “kỳ muôn vật đổi mới” ám chỉ đến Sự Phục Hồi Phúc Âm.

 

Sự Phục Hồi Phúc Âm là sự tái lập lại thẩm quyền và những lời giảng dạy chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Sự Phục Hồi bắt đầu vào năm 1820 với Khải Tượng Thứ Nhất khi Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến với Joseph Smith. Từ sự kiện đó và qua các cuộc thăm viếng kế tiếp của những nhân vật từ thiên thượng, phúc âm đã được phục hồi, cho phép chúng ta có được các phước lành thiêng liêng. Những phước lành này đến từ các giáo lễ trong đền thờ có sẵn cho tất cả các thánh hữu trung tín, từ Sách Mặc Môn, một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô, và từ những sự mặc khải thiêng liêng được biểu lộ trong Giáo Lý và Giao Ước, và Trân Châu Vô Giá, v.v.

 

Năm nay kỷ niệm 200 năm của Sự Phục Hồi. Với sự kiện đặc biệt này, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã mời gọi chúng ta đắm chìm trong ánh sáng vinh quang của Sự Phục Hồi và chia sẻ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô với những người khác. Ông ngỏ lời cùng chúng ta: “Anh chị em có thể muốn bắt đầu phần chuẩn bị của mình bằng cách đọc lại một lần nữa lời tường thuật của Joseph Smith về Khải Tượng Thứ Nhất như đã được chép lại trong Trân Châu Vô Giá… suy ngẫm về những câu hỏi quan trọng như: ‘Cuộc sống của tôi sẽ khác như thế nào nếu sự hiểu biết của tôi đạt được từ Sách Mặc Môn bất ngờ bị lấy đi?’ hoặc ‘Các sự kiện theo sau Khải Tượng Thứ Nhất đã tạo ra sự khác biệt như thế nào cho tôi và những người thân của tôi?’”2

 

Tôi vô cùng biết ơn Sự Phục Hồi. Qua việc gìn giữ các lệnh truyền của Chúa và bước đi trên con đường giao ước, Sự Phục Hồi đã mang đến nhiều phước lành cho gia đình tôi và bản thân tôi. Chúng ta nhận ra mình là con cái của Cha Thiên Thượng. Chúng ta có thể vui mừng đối mặt mọi hoàn cảnh với đức tin, hy vọng và tình yêu thương trên thế gian này, kể cả trong lúc hoang mang và tuyệt vọng. Qua các giáo lễ đền thờ làm thay đầy thiêng liêng, chúng ta có thể cung ứng những phước lành vĩnh cửu cho tổ tiên của chúng ta. Các gia đình có thể ở cùng nhau mãi mãi trong thế giới sau này nhờ Kế Hoạch Cứu Rỗi của Cha Thiên Thượng và Sự Chuộc Tội của Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.

Sự Phục Hồi Vẫn Tiếp Tục

Mặc dù Sự Phục Hồi đã bắt đầu 200 năm trước nhưng nó vẫn đang tiếp tục. “Chúng ta hiện đang sống trong thời kỳ đó vào lúc này. Sự phục hồi đó gồm có ‘tất cả mọi điều Thượng Đế đã mặc khải, tất cả mọi điều Ngài hiện đang mặc khải,’ và ‘nhiều điều lớn lao và quan trọng’ mà ‘Ngài chưa mặc khải nữa.’”3 Sự Phục Hồi bắt đầu với Vị Tiên Tri Joseph Smith và tiếp tục đến hiện tại qua công việc của các vị tiên tri tại thế của Chúa. Là một phần của sự mặc khải ngày sau này, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn gần đây đã khuyến khích chúng ta làm nhiều điều. Những điều này gồm có yêu thương Thượng Đế hết lòng, yêu thương người lân cận và bản thân chúng ta, có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và đón nhận ân tứ của Sự Chuộc Tội vĩnh cửu của Ngài, hối cải mỗi ngày, thường xuyên dự phần tiệc thánh để có các phước lành của Đức Thánh Linh, và củng cố việc học hỏi phúc âm đặt trọng tâm vào mái gia đình và được Giáo Hội hỗ trợ.

Anh Cả M. Russell Ballard đã nói: “Khi chúng ta nghe lời khuyên của Chúa được bày tỏ qua những lời của Chủ Tịch Giáo Hội, thì chúng ta cần phải hưởng ứng tích cực và kịp thời. Lịch sử đã cho thấy rằng có sự an toàn, bình an, thịnh vượng và hạnh phúc trong việc hưởng ứng lời khuyên mang tính tiên tri…”4 Giống như trong khải tượng của Lê Hi về cây sự sống, chúng ta có thể sống theo lời của Thượng Đế giống như những người dấn bước về phía trước, những người “luôn luôn giữ chặt thanh sắt cho tới khi họ đến được bên cây thì rạp mình xuống và ăn trái cây ấy.” 5 Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống và Giáo Hội này là Giáo Hội phục hồi của Ngài. Và với những sự mặc khải liên tục từ vị tiên tri tại thế, Sự Phục Hồi Phúc Âm vẫn tiếp tục cho đến tận ngày nay. ■

 

_____________________________________

 Tài liệu tham khảo:

1. Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19-21. 

2. Chủ Tịch Russell M. Nelson, “Lời Bế Mạc,” Đại Hội Trung Ương, tháng Mười năm 2019. 

3. Anh Cả Dieter F. Uchtdorf, “Các Anh Em Có Đang Ngủ suốt Thời Kỳ Phục Hồi Không?” Đại Hội Trung Ương, tháng Tư năm 2014. 

4. Anh Cả M. Russell Ballard, “His Word Ye Shall Receive (Các Ngươi Phải Tiếp Nhận Lời Nói của Hắn),” Ensign, tháng Năm năm 2001, trang 65.

5. Xin xem 1 Nê Phi 8:30.