Sứ Điệp Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng Châu Á

Sự Phục Hồi Phúc Âm và Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô

Cho dù chúng ta có nhiều niềm tin giống nhau, nhưng cũng có một vài khác biệt. Việc hiểu được những khác biệt đó có thể mang lại quan điểm quan trọng mà sẽ củng cố đức tin và mang lại sự hướng dẫn trong cuộc sống của chúng ta.

Anh Cả David P. Homer
Anh Cả David P. Homer Đệ Nhị Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng Châu Á

Các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có cùng nhiều niềm tin với các Ky Tô Hữu khác. Chúng tôi long trọng tuyên bố rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế đã sống giữa loài người, đã cứu chuộc cho những tội lỗi của thế gian và, sau cái chết, đã sống lại như một Đấng vinh quang và Đấng phục sinh. Chúng tôi xin tuyên bố thêm rằng Ngài hằng sống ngày nay, và sẽ trở lại thế gian vào một ngày nào đó.

Cho dù chúng ta có nhiều niềm tin giống nhau, nhưng cũng có một vài khác biệt. Việc hiểu được những khác biệt đó có thể mang lại quan điểm quan trọng mà sẽ củng cố đức tin và mang lại sự hướng dẫn trong cuộc sống của chúng ta. Một trong những khác biệt đó là việc chúng tôi tin rằng giáo hội được thiết lập bởi Chúa Giê Su Ky Tô đã bị cất khỏi thế gian trong một khoảng thời gian và cần phải được phục hồi trước khi Ngài trở lại.

Các tiên tri thời xưa đã tiên đoán những sự kiện này. Tiên Tri A Mốt trong Kinh Cựu Ước đã nói: “nầy, những ngày sẽ đến…là khi ta khiến sự đói kém đến trong đất, chẳng phải là đói về bánh, cũng chẳng phải khát về nước, bèn là về nghe lời của Đức Giê Hô Va…[và] chúng nó sẽ chạy đi đây đi đó đặng tìm lời Đức Giê-hô-va mà không tìm được.”  Về sau, Sứ Đồ Phao Lô đã cảnh báo các thánh hữu ở Tê Sa Lô Ni Ca rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ không trở lại “vì phải có sự bỏ đạo đến trước.”

Sau cái chết của Chúa Giê Su Ky Tô, có rất nhiều tín hữu của Giáo Hội đã bị bắt bớ trong khi những tín hữu khác thì đi lệch khỏi những nguyên tắc đã được giảng dạy bởi Chúa Giê Su Ky Tô và Các Sứ Đồ của Ngài. Các Sứ Đồ lần lượt bị giết chết, và thẩm quyền chức tư tế - kể cả các chìa khóa để hướng dẫn và để nhận được sự mặc khải cho Giáo Hội – cũng bị mất khỏi thế gian. Không có hướng dẫn của sự mặc khải, sai lầm len lỏi vào những lời giảng dạy của Giáo Hội. Mặc dù vẫn còn những người ngay chính và nhiều lẽ thật, nhưng phúc âm được thiết lập bởi Chúa Giê Su Ky Tô đã bị mất.


“Xin hãy yên tâm rằng sự mặc khải vẫn tiếp tục trong Giáo Hôi và sẽ tiếp tục dưới sự hướng dẫn của Chúa cho đến khi ‘các mục đích của Thượng Đế sẽ được hoàn thành, và Đức Giê Hô Va Vĩ Đại sẽ phán rằng công việc đã hoàn tất.”

Chủ Tịch Russell M. Nelson

Thời kỳ này được gọi là thời kỳ Đại Bội Giáo. Trong suốt thời gian này, có rất nhiều người nam và người nữ đã tìm kiếm lẽ thật, nhưng họ không thể tìm được. Những người ngay chính đã cố gắng để hiểu và giảng dạy lẽ thật, nhưng họ không có phúc âm trọn vẹn hay thẩm quyền chức tư tế. Kết quả là, mỗi thế hệ bị ảnh hưởng bởi những gì mà thế hệ trước truyền lại, bao gồm những thay đổi trái phép trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Những nhà cải cách được soi dẫn, chẳng hạn như Martin Luther và John Calvin, đã nhận ra rằng những lối thực hành và giáo lý đã bị thay đổi hoặc đã mất; họ đã cố gắng để cải cách những giáo hội mà đã họ gia nhập. Tuy nhiên, không có thẩm quyền chức tư tế, phúc âm, Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô không thể được trở lại hiện trạng ban đầu của nó. Cần phải có sự phục hồi.

Rồi, hai trăm năm trước, vào đầu năm 1820, Cha Thiên Thượng đã chọn một vị tiên tri mà qua người ấy, phúc âm nguyên thủy, Giáo Hội và thẩm quyền chức tư tế sẽ được phục hồi. Tên của vị tiên tri đó là Joseph Smith. Khi còn là một thiếu niên, Joseph đã băn khoăn bởi những sự khác biệt được giảng dạy giữa các giáo hội ở nơi ông sống và muốn biết giáo hội nào là đúng. Biết rằng mình là người kém khôn ngoan, nên ông đã đi theo lời khuyên được tìm thấy trong Kinh Thánh: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.”

Khi Joseph cầu nguyện để biết được lẽ thật, Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã hiện đến cùng ông. Chúa Giê Su đã phán bảo Joseph không được tham gia bất cứ giáo hội nào cả, vì “chúng gần ta bằng môi lưỡi, nhưng lòng dạ chúng xa cách ta; chúng dạy các giáo lý bằng điều răn của con người, có hình thức bề ngoài rất tin kính, nhưng chúng chối bỏ quyền năng của sự tin kính đó.” Kinh nghiệm kỳ diệu này đã bắt đầu một thời kỳ mà trong đó, tất cả các lẽ thật, các giáo lễ và các phước lành của Thượng Đế sẽ được mang cho các tín hữu của giáo hội của Chúa Giê Su Ky Tô ở cả hai bên bức màn che.

Sự Phục Hồi Phúc Âm và Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô

Nhờ các thiên sứ mang thẩm quyền thiêng liêng đến mà tiên tri Joseph đã phục hồi Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, các chìa khóa và các chức phẩm chức tư tế hoàn toàn theo mẫu mực nguyên thủy. Khi được hướng dẫn bởi sự soi dẫn, ông đã phiên dịch Sách Mặc Môn. Thêm nhiều điều mặc khải đã được phát hành sau đó trong sách Giáo Lý và Giao Ước, sách Trân Châu Vô Giá để tăng thêm sự phong phú cho tất cả những ai đón nhận chúng. Các vị tiên tri và những sự hướng dẫn đầy soi dẫn khác được tiếp tục cho đến khi Chủ Tịch Russel M. Nelson trở thành vị tiên tri trong thời đại của chúng ta.

Chủ Tịch Nelson thường nhận xét rằng Sự Phục Hồi không phải là một sự kiện, mà là một quá trình liên tục. Ông thường nói: “Xin hãy yên tâm rằng sự mặc khải vẫn tiếp tục trong Giáo Hôi và sẽ tiếp tục dưới sự hướng dẫn của Chúa cho đến khi ‘các mục đích của Thượng Đế sẽ được hoàn thành, và Đức Giê Hô Va Vĩ Đại sẽ phán rằng công việc đã hoàn tất.’”

Không có bất cứ người nào nghiêm túc học hỏi về lịch sử Giáo Hội nhìn vào tốc độ thay đổi trong những năm gần đây mà có thể đưa ra kết luận khác được. Tôi xin làm chứng về tính chất tiếp tục của Sự Phục Hồi của phúc âm và Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô cùng sự hiện hữu của một vị tiên tri trong thời đại của chúng ta.

 


 

Các ghi chú

1. A Mốt 8: 11-12

2. Tê Sa Lô Ni Ca 2: 3

3. Gia Cơ 1:5

4. Lịch Sử Joseph Smith 1:19

5. Chủ tịch Russel M. Nelson, “Lời Bế Mạc”, Đại Hội Trung Ương, Tháng Mười năm 2019