Những Điểm Nổi Bật từ Đại Hội Trung Ương Tháng Tư năm 2020

Những Điểm Nổi Bật từ Đại Hội Trung Ương Tháng Tư năm 2020

Các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô quy tụ trực tuyến trên toàn cầu để tham gia vào các sự kiện trực tiếp của Đại Hội Trung Ương Thường Niên lịch sử kỳ thứ 190 vào ngày 4-5 tháng Tư.

Trong suốt kỳ Đại Hội, đã có 35 sứ điệp được chia sẻ với Các Thánh Hữu Ngày Sau và những người khác trên khắp thế giới. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội đã chia sẻ các sứ điệp trong suốt năm phiên họp. Những sứ điệp chính tập trung vào dịp kỷ niệm 200 năm của sự phục hồi của Giáo Hội và phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, sự chuộc tội và sự phục sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, các phước lành của Chức Tư Tế, quyền năng của đức tin và Sách Mặc Môn. Một bản tuyên bố mang tính tiên tri được gọi là Bản Tuyên Bố Kỷ Niệm Hai Trăm Năm cùng Thế Giới đã được trình bày để làm chứng rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là “Giáo Hội trong Kinh Tân Ước của Đấng Ky Tô đã được phục hồi.”

Xin vui lòng tìm phần tóm lược các trích dẫn trực tiếp từ các bài nói chuyện được chọn dưới đây. Để xem toàn bộ bài nói chuyện hoặc xem thêm các bài nói chuyện khác xin truy cập trang churchofjesuschrist.org/general-conference.

Bấm vào các biểu tượng để đọc hoặc tải xuống phần văn bản hoặc xem video.

Chủ Tịch Russell M. Nelson

1. Chủ Tịch Russell M. Nelson

Chủ Tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Hãy Nghe Lời Người
Bóng tối càng ngày càng gia tăng đi kèm với nỗi hoạn nạn làm cho ánh sáng của Chúa Giê Su Ky Tô tỏa sáng hơn bao giờ hết. Chỉ cần nghĩ về điều thiện mỗi người chúng ta có thể làm trong thời gian biến động toàn cầu này. Đức Chúa Cha của chúng ta biết rằng khi nào chúng ta bị bao vây bởi sự không chắc chắn và nỗi sợ hãi, thì điều mà sẽ giúp chúng ta nhiều nhất chính là nghe lời Con Trai của Ngài. Vì khi cố gắng nghe – thật sự nghe – lời Con Trai của Ngài, chúng ta sẽ được hướng dẫn để biết phải làm gì trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bất kể anh chị em đang sống ở đâu hay hoàn cảnh của anh chị em ra sao đi nữa, thì Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của anh chị em, và vị tiên tri của Thượng Đế, Joseph Smith, là vị tiên tri của anh chị em. Sự mặc khải tiếp tục trút xuống từ Chúa trong tiến trình phục hồi lâu dài. Khi chúng ta tìm cách làm môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, thì những nỗ lực của chúng ta để nghe lời Ngài cần phải có chủ ý hơn bao giờ hết. Cần phải có nỗ lực có ý thức và kiên định để làm tràn đầy cuộc sống hằng ngày của chúng ta bằng những lời phán, lời dạy và các lẽ thật của Ngài. Việc hằng ngày chú tâm đến lời của Thượng Đế là rất thiết yếu cho sự sống còn thuộc linh nhất là trong những ngày biến động càng ngày càng gia tăng này. Tôi lặp lại lời khẩn nài của mình với anh chị em để làm bất cứ điều gì cần thiết nhằm gia tăng khả năng thuộc linh để nhận được sự mặc khải cá nhân. Việc làm như vậy sẽ giúp anh chị em biết cách tiến bước trong cuộc sống của mình, điều phải làm trong thời gian khủng hoảng, và làm thế nào để phân biệt và tránh được những cám dỗ và lừa dối của kẻ nghịch thù.

 

Chị Bonnie H. Cordon

2. Chị Bonnie H. Cordon

Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nữ
Để Họ Thấy Được
Chúa Giê Su Ky Tô đã kêu gọi chúng ta “hãy để ánh sáng của các ngươi chiếu trước mặt dân này, để họ thấy được những việc làm tốt đẹp của các ngươi mà tôn vinh Cha các ngươi trên trời.”(3 Nê Phi 12:16) Lời mời của Chúa để cho ánh sáng của chúng ta chiếu rọi thì không chỉ là vẫy luồng sáng mà không có mục đích và chỉ làm cho thế giới nói chung sáng hơn. Nhưng lời mời đó là về việc tập trung ánh sáng của chúng ta để những người khác có thể thấy được đường đến với Đấng Ky Tô. Anh chị em và tôi có đủ ánh sáng để chia sẻ ngay bây giờ. Chúng ta có thể soi sáng bước tiếp theo để giúp một ai đó đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn, và rồi bước kế tiếp và kế tiếp nữa. Hãy tự hỏi bản thân mình “Ai cần ánh sáng mà mình đang có để tìm ra con đường họ cần đi nhưng không thể thấy được?” Chúng ta có thể chủ tâm chiếu sự sáng của mình để cho người khác thấy được. Chúng ta có thể đưa ra một lời mời.” (Anh Cả Dieter F. Uchtdorf, tháng Tư năm 2019) Hãy tìm kiếm và cầu xin các cơ hội để tỏa chiếu sự sáng của anh chị em để người khác có thể thấy được con đường đến với Chúa Giê Su Ky Tô. Lời hứa của Ngài thật lớn lao : “Người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống.” (Giăng 8:12)

 

Anh Cả Gary E. Stevenson

3. Anh Cả Gary E. Stevenson


Thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ
Một Nền Tảng Tốt để Đối Phó với Thời Gian Sắp Tới

“Trong cách thiết kế và xây cất Đền Thờ Salt Lake, kỹ thuật tốt nhất, lao động lành nghề, vật liệu xây cất, vật dụng và các tài nguyên có sẵn khác trong thời kỳ đó đã được sử dụng. Kể từ khi được làm lễ cung hiến vào năm 1893, ngôi đền thờ này đã đứng vững và là một biểu tượng về đức tin [và] hy vọng và là một ánh sáng cho các tín hữu.” ( Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa, tháng 10 năm 2015) Trong những năm qua, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã thỉnh thoảng khuyên bảo Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa nên đảm bảo rằng nền móng của Đền Thờ Salt Lake được vững chắc. Những nghiên cứu gần đây xác nhận rằng địa điểm được Brigham Young chọn cho ngôi đền thờ này có nền đất rất tốt và xuất sắc trong việc chịu đựng sức ép. Khi tôi suy ngẫm về bốn năm tới của thời gian tồn tại của ngôi Đền Thờ Salt Lake tuyệt mỹ, cao quý, thiêng liêng và vĩ đại này, tôi hình dung nó giống như một thời kỳ đổi mới thay vì nghĩ là thời gian đóng cửa! Theo cách tương tự, chúng ta có thể tự hỏi mình: “Sự đổi mới to lớn này của Đền Thờ Salt Lake có thể soi dẫn chúng ta để trải qua sự đổi mới, tái thiết, khôi phục, hồi sinh hoặc phục hồi phần thuộc linh của mình như thế nào?” Các vị lãnh đạo Giáo Hội chân thành hy vọng rằng những cuộc trùng tu quan trọng cho Đền Thờ Salt Lake sẽ góp phần làm ứng nghiệm ước muốn của Brigham Young để thấy “ngôi đền thờ được xây cất theo cách mà nó sẽ tồn tại suốt thiên niên kỷ.” Trong những năm tới, cầu xin rằng chúng ta cho phép những sự cải tiến đã được thực hiện cho Đền Thờ Salt Lake sẽ thúc đẩy và soi dẫn chúng ta, là những cá nhân và gia đình, để chúng ta cũng – nói một cách ẩn dụ - sẽ “được xây dựng theo cách mà mình sẽ tồn tại suốt thiên niên kỷ.”

Chị Jean B. Bingham

4. Chị Jean B. Bingham

Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ
Hiệp Một trong Công Việc của Thượng Đế
Trong suốt thời gian từ sự khởi đầu kỳ diệu trong Vườn Ê Đen cho đến thời điểm bây giờ, kẻ nghịch thù đã khá thành công trong mục tiêu chia rẽ người nam và người nữ trong các nỗ lực của hắn để chiếm đoạt linh hồn chúng ta. Sa Tan kích động tính so bì như một công cụ để tạo ra các cảm nghĩ hơn thua, giấu đi lẽ thật vĩnh cửu rằng những sự khác biệt tự nhiên giữa nam và nữ là do Thượng Đế quy định và có giá trị ngang nhau. Mục đích của hắn là để cổ xúy cho sự ganh đua quyền lực thay vì tán dương những đóng góp riêng của người nam và người nữ mà giúp bổ sung cho nhau và góp phần vào sự đoàn kết. Kể từ thời của Tiên Tri Joseph Smith cho đến thời của chúng ta, sự phục hồi liên tục của tất cả mọi điều đã mang đến sự khai sáng về sự cần thiết của thẩm quyền và quyền năng chức tư tế trong việc giúp cả người nam lẫn người nữ thực hiện các trách nhiệm thiêng liêng đã được chỉ định cho họ. Sự hiểu biết về thẩm quyền và quyền năng chức tư tế thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào? Một trong những điểm mấu chốt là hiểu được rằng khi người nam và người nữ cùng làm với nhau thì chúng ta làm được nhiều điều hơn so với khi làm riêng rẽ. Các vai trò của chúng ta là để bổ sung cho nhau thay vì cạnh tranh nhau. Việc trở nên hòa hợp hơn trong mẫu mực thiêng liêng để cùng nhau làm việc trong tình đoàn kết là cần thiết ngày nay khi xung quanh chúng ta tràn ngập các thông điệp ích kỷ. Tất cả đều được định ra và cần thiết để mang lại kế hoạch thiêng liêng của Cha Thiên Thượng giúp cho mỗi con cái của Ngài có cơ hội tốt nhất để đạt được tiềm năng thiêng liêng của mình.

 

Anh Cả David A. Bednar

5. Anh Cả David A. Bednar

Thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ
Một Ngôi Nhà cho Danh Ta”  (Giáo Lý và Giao Ước 124:40)
Các giao ước và các giáo lễ chức tư tế thiêng liêng nhất chỉ được tiếp nhận trong đền thờ - ngôi nhà của Chúa. Chúng ta không xây cất hay vào các đền thờ thánh chỉ để có một kinh nghiệm đáng nhớ của cá nhân hoặc gia đình. Thay vì thế, các giao ước đã nhận được và các giáo lễ đã được thực hiện trong đền thờ là thiết yếu cho sự thánh hóa của tấm lòng chúng ta và cho sự tôn cao tột bậc của các con trai và con gái của Thượng Đế. Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã mô tả một mẫu mực quan trọng mà Đấng Cứu Chuộc sử dụng để mang lại “sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.” Ông nói : “Chúa làm việc bằng cách bắt đầu từ trong ra ngoài. Thế gian làm việc bằng cách bắt đầu từ ngoài vào trong. Thế gian sẽ mang người ta ra khỏi khu ổ chuột. Đấng Ky Tô mang những khu ổ chuột ra khỏi người ta, và sau đó họ đã tự mình ra khỏi những khu ổ chuột. Thế gian ung đúc con người bằng cách thay đổi môi trường của họ. Đấng Ky Tô thay đổi con người rồi sau đó con người thay đổi môi trường của họ. Thế gian định hướng hành vi của con người, nhưng Đấng Ky Tô có thể thay đổi hành vi của con người.(Ensign tháng Mười Một, năm 1985) Các giao ước và các giáo lễ chức tư tế là thiết yếu trong tiến trình liên tục của sự tái sinh và sự biến đổi phần thuộc linh; đó cũng là phương tiện mà qua đó Chúa đã làm việc với mỗi người chúng ta từ trong ra ngoài. Chúng ta không đến đền thờ để chạy trốn hay né tránh sự tà ác của thế gian. Thay vì thế, chúng ta đến đền thờ để chinh phục thế giới tà ác. Các bổn phận cơ bản của chúng ta với tư cách là tín hữu của Giáo Hội phục hồi của Chúa là (1) phải Nghe lời Ngài (Joseph Smith Lịch Sử 1:17) và tấm lòng của chúng ta phải thay đổi qua các giáo lễ và các giao ước và (2) hân hoan làm tròn trách nhiệm đã được Chúa chỉ định để mang phước lành của đền thờ đến cho toàn thể gia đình nhân loại ở cả hai bên bức màn che.