Các Điểm Nổi Bật Trong Đại Hội Trung Ương Tháng Tư Năm 2019

General Conference

Các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau Của Chúa Giê Su Ky Tô quy tụ tại Trung Tâm Đại Hội ở Salt Lake City, cũng như trong các giáo đường và mái nhà khắp nơi trên thế giới, để tham dự Đại Hội Trung Ương Thường Niên kỳ thứ 189 vào ngày 6-7 tháng Tư.

Trong Đại Hội Trung Ương Thường Niên kỳ thứ 189, 31 sứ điệp đã được chia sẻ với các Thánh Hữu Ngày Sau trên khắp. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội đã chia sẻ các thông điệp trong năm phiên họp. Các bài nói chuyện của họ bao gồm nhiều đề tài về công việc truyền giáo, Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, và trách nhiệm cá nhân.

Xin xem phần tóm lược các bài nói chuyện được chọn bên dưới. Để đọc toàn bộ bài nói chuyện hoặc tham khảo thêm những bài nói chuyện khác xin vào xem trang conference.ChurchofJesusChrist.org. Bấm vào các biểu tượng để xem video, đọc hoặc tải về bản văn.

Elder Brook P. Hales

1. Anh Cả Brook P. Hales thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi - Những Sự Đáp Ứng cho Lời Cầu Nguyện

Một khía cạnh của tình yêu thương trọn vẹn đó là sự tham dự của Cha Thiên Thượng vào các chi tiết của cuộc sống chúng ta, cho dù chúng ta có thể không nhận biết hoặc hiểu được điều đó. Chúng ta tìm kiếm sự hướng dẫn và giúp đỡ thiêng liêng của Đức Chúa Cha qua lời cầu nguyện chân thành, tha thiết. Khi tôn trọng các giao ước của mình và cố gắng trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn thì chúng ta được quyền nhận hưởng một dòng hướng dẫn thiêng liêng liên tục qua ảnh hưởng và sự soi dẫn của Đức Thánh Linh. Đôi khi những ước muốn tha thiết và xứng đáng nhất của chúng ta không được đáp ứng theo cách chúng ta hy vọng, nhưng chúng ta thấy Thượng Đế có các phước lành lớn lao hơn dành cho chúng ta trong tương lai. Và đôi khi, những ước muốn ngay chính của chúng ta không được đáp ứng trong cuộc sống này. Chúng ta có sự bảo đảm rằng theo cách riêng của Ngài và theo kỳ định riêng của Ngài, Cha Thiên Thượng sẽ ban phước cho chúng ta và giải quyết tất cả những mối quan tâm, sự bất công và nỗi thất vọng của chúng ta.

President Dallin H. Oaks

2. Chủ Tịch Dallin H. Oaks, Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn - Được Thanh Tẩy nhờ vào Sự Hối Cải

Sự tương phản mà tôi đã trải qua giữa luật pháp của loài người và luật pháp của Thượng Đế đã gia tăng lòng cảm kích của tôi đối với tính chất xác thực và quyền năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong luật pháp của loài người, một người phạm vào những tội ác nghiêm trọng nhất có thể bị án tù chung thân mà không có cơ hội được phóng thích. Nhưng kế hoạch đầy thương xót của Cha Thiên Thượng nhân từ thì khác. Tôi đã chứng kiến rằng những tội lỗi nghiêm trọng như vậy có thể được tha thứ trên trần thế nhờ sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi chúng ta cho tội lỗi của “tất cả những ai có một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối” (2 Nê Phi 2:7). Đấng Ky Tô sẽ cứu chuộc, và Sự Chuộc Tội của Ngài là có thật. Sự hối cải bắt đầu với Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, và đó là một niềm vui, chứ không phải là một gánh nặng. Chủ Tịch Nelson đã dạy rằng: “Sự hối cải chân thành không phải là một sự kiện. Đó là một đặc ân bất tận. Đó là nền tảng cho sự tiến triển và có được sự yên tâm, an ủi và niềm vui.”

Elder Jeffrey R. Holland

3. Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ - Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời

Ngoài việc dành thời gian nhiều hơn cho việc giảng dạy phúc âm đặt trọng tâm vào mái gia đình, buổi lễ ngày Chủ Nhật đã được thay đổi cũng là nhằm giảm bớt sự phức tạp trong lịch trình họp theo hướng nhấn mạnh một cách đúng đắn vào Tiệc Thánh trong Bữa Ăn Tối của Chúa, để trở thành trọng điểm thiêng liêng, được thừa nhận trong kinh nghiệm thờ phượng hằng tuần của chúng ta. Chúng ta cần ghi nhớ theo một cách càng mang tính cá nhân càng tốt rằng Chúa Giê Su đã chết với tấm lòng vô cùng đau khổ do phải một mình gánh lấy tất cả tội lỗi và những nỗi buồn của toàn thể gia đình nhân loại. Vì chúng ta đã chất thêm vào gánh nặng chí tử đó, chúng ta cần phải tôn trọng hành động vĩ đại đó của Ngài. Do đó, chúng ta được khuyến khích nên đến các buổi thờ phượng sớm và nghiêm trang, ăn mặc phù hợp để tham dự một giáo lễ thiêng liêng. Giáo lễ đó tưởng nhớ đến Đấng mà đã xin cất chén đắng mà Ngài phải uống, nhưng vẫn tiếp tục nhận lấy bởi vì Ngài biết rằng vì lợi ích của chúng ta nên chén ấy không thể được cất khỏi. Một cách để “luôn luôn tưởng nhớ đến Ngài”(Mô Rô Ni 4:3; 5:2) là tham gia cùng Chúa Giê Su Ky Tô trong bổn phận không bao giờ chấm dứt để nhấc gánh nặng ra khỏi đôi vai người ưu phiền và xoa dịu nỗi đau của người sầu khổ.

President Russell M. Nelson

4. Chủ Tịch Russell M. Nelson - “Hãy Đến mà Theo Ta”

Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi chúng ta đi theo con đường giao ước để trở về nhà với Cha Mẹ Thiên Thượng và ở bên những người chúng ta yêu thương. Ngài hiểu rõ kế hoạch về sự tiến triển vĩnh cửu của Cha Thiên Thượng hơn bất cứ ai trong chúng ta. Xét cho cùng, Ngài là nền tảng của kế hoạch này. Ngài là Đấng Cứu Chuộc, Đấng Chữa Lành và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Thánh thư nhiều lần ghi rằng, bất chấp mọi tội lỗi từ đủ hạng người nào đi nữa, thì cánh tay của Ngài vẫn dang ra. (3 Nê Phi 9:14) Đấng Cứu Rỗi mời gọi mọi người noi theo Ngài bước vào dòng nước báp têm và, vào đúng lúc, lập thêm các giao ước với Thượng Đế trong đền thờ và tiếp nhận cùng trung thành với những giáo lễ thiết yếu hơn nữa. Tất cả những giáo lễ này đều cần thiết nếu chúng ta muốn được vĩnh viễn tôn cao với gia đình mình và với Thượng Đế. “Nếu bạn không chắc là mình có tin nơi Thượng Đế không thì hãy bắt đầu từ đó. Hãy hiểu rằng khi không có kinh nghiệm với Thượng Đế, người ta có thể nghi ngờ sự hiện hữu của Thượng Đế. Vì vậy, hãy đặt mình vào vị trí để bắt đầu có được những kinh nghiệm với Ngài. Hãy hạ mình. Hãy cầu nguyện để có mắt nhìn thấy ảnh hưởng của Thượng Đế trong cuộc sống của bạn và trong thế giới xung quanh bạn. Hãy cầu xin Ngài nói cho bạn biết là Ngài có thực sự hiện diện ở đó không—xem Ngài có biết bạn không. Hãy hỏi Ngài xem Ngài cảm thấy như thế nào về bạn. Và rồi lắng nghe.”

Elder Gerrit W. Gong

5. Anh Cả Gerrit W. Gong, thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ - Đấng Chăn Hiền Lành, Chiên Con của Thượng Đế

Với tư cách là Đấng Chăn Hiền Lành của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô kêu gọi chúng ta bằng tiếng nói và danh của Ngài. Ngài tìm kiếm và quy tụ chúng ta. Ngài giảng dạy chúng ta cách phục sự trong tình yêu thương. Khi tìm kiếm với chủ đích thực sự để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta sẽ nhận được sự soi dẫn để làm điều thiện, yêu mến Thượng Đế, và phục vụ Ngài. (Mô Rô Ni 7:13) Khi học hỏi, suy ngẫm, và cầu nguyện; khi thường xuyên tái lập các giao ước Tiệc Thánh và đền thờ; và khi mời gọi tất cả mọi người đến với phúc âm và những giáo lễ của Ngài, chúng ta đang lắng nghe tiếng nói của Ngài. Đấng Cứu Rỗi của chúng ta tìm đến từ con chiên thứ nhất cho đến con chiên thứ chín mươi chín, thường là cùng một lúc. Khi phục sự, chúng ta công nhận chín mươi chín con chiên là những người trung tín và không thể lay chuyển, trong khi chúng ta trông mong con chiên bị lạc lối trở về. Đấng Cứu Rỗi của chúng ta biết khi nào chúng ta đơn độc, bị xem thường, bấp bênh, hoặc sợ hãi. Trong khải tượng, Nê Phi đã thấy quyền năng của Chiên Con của Thượng Đế “[giáng xuống] trên các thánh hữu trong giáo hội của Chiên Con, và trên dân giao ước của Chúa.” Mặc dù “đã bị phân tán khắp mặt đất … họ được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại.”(1 Nê Phi 14:14) Lời hứa này về niềm hy vọng và sự an ủi bao gồm cho cả thời đại của chúng ta.

Elder David P. Homer

6. Anh Cả David P. Homer thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi - Lắng Nghe Tiếng Nói Của Ngài

Vì Cha Thiên Thượng của chúng ta muốn những điều tốt hơn cho chúng ta, nên Ngài đã làm cho chúng ta có thể nghe thấy tiếng nói của Ngài. Chúng ta sẽ tìm thấy tiếng nói của Đức Chúa Cha của chúng ta trong nhiều hoàn cảnh. Chúng ta sẽ tìm thấy tiếng nói của Đức Chúa Cha khi chúng ta cầu nguyện, học tập thánh thư và tham dự nhà thờ, tham gia vào những cuộc thảo luận về phúc âm, hoặc đi đền thờ. Thường xuyên nhất, chúng ta lắng nghe Ngài qua những ấn tượng đến từ Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh là Đấng thứ ba của Thiên Chủ Đoàn. Ngài làm chứng về Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, (2 Nê Phi 31:18) gửi đến để “dạy [chúng ta] tất cả mọi điều,”(Giăng 14:26) và sẽ “chỉ dẫn cho [chúng ta] tất cả mọi việc [chúng ta] phải nên làm.” (2 Nê Phi 32:5) Thánh Linh nói với mỗi người theo những cách khác nhau, và Ngài có thể nói với cùng một người theo những cách khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Do đó, việc học hỏi các cách thức mà Ngài nói với chúng ta là một kinh nghiệm suốt đời. Đôi khi, Ngài nói “trong trí và trong tâm [chúng ta]”(Giáo Lý và Giao Ước 8:2) bằng một giọng nhỏ nhẹ, nhưng mạnh mẽ, xuyên thấu “tận trái tim những người nghe.”(3 Nê Phi 11:3) Đôi khi, những ấn tượng của Ngài “chiếm tâm trí [chúng ta]” hoặc “đè nặng lên những cảm nghĩ của [chúng ta].”(Giáo Lý và Giao Ước 128:1) Đôi khi, tâm can chúng ta sẽ “ hừng hực trong [mình].” (Giáo Lý và Giao Ước 9:8) và đôi khi Ngài làm đầy tâm hồn chúng ta với niềm vui, soi sáng tâm trí chúng ta, (Giáo Lý và Giao Ước 6:14-15;11:13) hoặc phán bình an cho tấm lòng phiền muộn của chúng ta. (Giáo Lý và Giao Ước 6:22-33) Đấng Cứu Rỗi đã hứa rằng nếu chúng ta “biết nghe những lời giáo huấn của [Ngài] và để tai nghe lời khuyên răn của [Ngài],” thì Ngài “sẽ ban thêm cho [chúng ta].” (2 Nê Phi 28:30)