Tad R. Callister: ‘Chúng Ta Có Thể Lạc Quan trong Thời Kỳ Hỗn Loạn Không?’

Tad R. Callister: ‘Chúng Ta Có Thể Lạc Quan trong Thời Kỳ Hỗn Loạn Không?’
Jesus Christ meets with Pilate in private after being condemned in this scene from the Bible videos.

Câu chuyện này được trích lại với sự chấp thuận của TheChurchNews.comCác trang phương tiện truyền thông khác không được phép sử dụng câu chuyện này.

Bài của Anh Cả Tad R. Callister, Church News

 

Đây thật sự là thời kỳ hỗn loạn — đại dịch toàn cầu, những cuộc biểu tình và bạo loạn, thất nghiệp tràn lan, sự gia tăng về bạo lực và những mối lo ngại về bầu cử. Vậy sự lạc quan trong hoàn cảnh này có khả thi không, hay ngược lại, liệu đây có phải là thời gian để nhượng bộ sự tiêu cực và bi quan? Hay nói cách khác, liệu một người có thể vừa thực tế mà vẫn lạc quan hay không? May mắn thay, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Đấng Gương Mẫu Vĩ Đại, đã ban cho chúng ta câu trả lời.

 

Tất cả nằm trong tuần cuối cùng của cuộc đời Đấng Cứu Rỗi. Ngài biết rằng Giu Đa sẽ phản bội Ngài. Phi E Rơ, Sứ Đồ trưởng của Ngài, sẽ chối không biết Ngài ba lần, và một số người mà Ngài đã đến để cứu sẽ nhạo báng Ngài, khạc nhổ vào Ngài và đánh đập Ngài. Sẽ có sự bắt giữ và xét xử sai lầm. Nhưng khó khăn hơn gấp nhiều lần những sự việc này lại là giây phút Ngài ở trong khu vườn và trên cây thập tự nơi Ngài sẽ hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:6). Ngài đã mô tả kinh nghiệm này bằng chính lời của Ngài rằng nỗi đau đớn đó đã “khiến cho ta dù là Thượng Đế, Đấng Vĩ Đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn” (Giáo Lý và Giao Ước 19:18). Nỗi đau đớn ấy đến mức độ nào mà khiến cho ngay cả Thượng Đế cũng phải run rẩy?

Tad R. Callister: ‘Chúng Ta Có Thể Lạc Quan trong Thời Kỳ Hỗn Loạn Không?’
This depiction of the risen Savior by LDS artist Grant Romney Clawson is titled, “Jesus Appearing to the Five Hundred.” Artwork courtesy of LDS Visual Resources.

Tuy nhiên, vì biết rằng tất cả những điều này sẽ xảy đến với Ngài trong tuần đó, Ngài đã vừa cảnh báo vừa an ủi chúng ta: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi” (Giăng 16:33). Nói cách khác, “Quả thực, Ta biết các ngươi sẽ có thử thách và hoạn nạn trong cuộc sống, nhưng Ta có thể hứa với các ngươi rằng vượt trên tất cả những điều này, các ngươi có thể hân hoan. Vì sao ư? Bởi vì một khi Ta hoàn tất Sự Chuộc Tội, sẽ không có bất kỳ ngoại lực nào — không có cái chết, hay bệnh tật, hay thảm họa kinh tế, hoặc ly hôn, hoặc những thử thách nào khác bên ngoài có thể ngăn cản các ngươi nhận được sự tôn cao, nếu các người vâng lời và kiên trì chịu đựng đến cùng.”

 

Thực chất, Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi cho chúng ta niềm hy vọng và một quan điểm vĩnh cửu rằng những sự lựa chọn nội tâm của chúng ta — chứ không phải những tác động ngoại cảnh — mới quyết định số mệnh thiêng liêng của chúng ta. Và với niềm hy vọng đó và quan điểm vĩnh cửu, chúng ta có thể vững lòng.

 

Đó cũng chính là trường hợp của Joseph Smith. Ông đã bị giam vào hầm ngục Liberty tối tăm và bẩn thỉu trong hơn hai tháng. Cuối cùng, trong tuyệt vọng, ông kêu lên: “Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu? … Tay của Ngài còn dừng lại bao lâu nữa?” (Giáo Lý và Giao Ước 121:1-2). Rồi Chúa đã ban cho Joseph một viễn cảnh mà đã giúp ông hiểu những thử thách của hiện tại so với phần thưởng vĩnh cửu trong tương lai: “Hỡi con của ta, bình yên cho tâm hồn ngươi; nghịch cảnh và những nỗi thống khổ của ngươi sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi; Và rồi, nếu ngươi biết kiên trì chịu đựng, thì Thượng Đế sẽ nâng ngươi lên cao; ngươi sẽ chiến thắng tất cả các kẻ thù của mình” (Giáo Lý và Giao Ước 121:7-8).

Tad R. Callister: ‘Chúng Ta Có Thể Lạc Quan trong Thời Kỳ Hỗn Loạn Không?’
A cut-away reconstruction of Liberty Jail is the centerpiece in rotunda of the historic Liberty Jail Visitor Center, which was dedicated 50 years ago by Elder Joseph Fielding Smith. His father, Joseph F. Smith, was likely blessed as a baby in the jail by Hyrum Smith. Photo courtesy of Val Anderson, courtesy of Church News.

Rồi thì Chúa đã vẽ ra một bức tranh về tương lai cuộc sống trần thế của Joseph, và đó không phải là một bức tranh màu hồng — ông bị buộc chia cách khỏi vợ con, bị ném vào tay của quân sát nhân và hầm của ngục giới há rộng miệng ra nuốt lấy ông. Nhưng Joseph giờ đây đã thấy được viễn cảnh vĩnh cửu. Ông biết rằng chẳng có bất kỳ sức mạnh thiên nhiên nào hoặc bất kỳ người nào có thể lấy đi sự tôn cao của ông. Ông hoàn toàn tuyệt đối kiểm soát được số mệnh của mình nếu ông chọn để tìm cách vươn lên trong những nỗi thống khổ này thay vì tuyệt vọng.

 

Với sự hiểu biết sâu sắc thiêng liêng này, ông đã viết thư cho Các Thánh Hữu từ chính ngục tù đó: “Hỡi các anh em thân mến, chúng ta hãy vui vẻ làm mọi công việc trong tầm khả năng của chúng ta; và rồi chúng ta có thể đứng yên, với một sự an tâm lớn lao nhất, để nhìn thấy sự cứu rỗi của Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 123:17). Ông biết rằng lời hứa và khả năng có được sự tôn cao chính là nền tảng của một cuộc sống vui vẻ và lạc quan.

 

Tinh thần lạc quan không tương đương với đức tin, nhưng chắc chắn nó là một bước đi đúng đắn. Thật ra, lạc quan vừa là một yếu tố cần thiết của đức tin và cũng vừa là kết quả của đức tin. Nó là bằng chứng mạnh mẽ cho đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nơi quyền năng của Ngài để chữa lành và cứu rỗi chúng ta, ngay cả khi những thử thách của chúng ta dường như không thể chịu đựng nổi ngay bây giờ.

 

Tinh thần lạc quan châm thêm dầu cho ngọn lửa đức tin; nói cách khác, sự bi quan dội nước vào ngọn lửa đó. Tinh thần tiêu cực và bi quan là địa bàn thuộc về Sa Tan; tinh thần tích cực và lạc quan thuộc về Thượng Đế.

Tad R. Callister: ‘Chúng Ta Có Thể Lạc Quan trong Thời Kỳ Hỗn Loạn Không?’
Elder Tad R. Callister of the General Authority Seventy.

Tinh thần lạc quan là tia sáng trong một thế giới dường như tăm tối. Nó là sự phản chiếu cho lời tuyên phán của Đấng Cứu Rỗi: “Ta là sự sáng của thế gian” (Giăng 8:12). Ông của tôi, Anh Cả LeGrand Richards, đã là một ánh sáng rực rỡ. Ông luôn luôn có một nụ cười và cái nhìn tích cực về cuộc sống. Ông thường nói rằng: “Tôi chỉ cần làm tốt nhất trong khả năng của mình và để phần lo lắng cho Chúa.” Tôi thích câu nói đó. Nó nhắc nhở tôi rằng Đấng Cứu Rỗi đã mang lên Ngài phần nặng nề đó. Ngài để lại cho chúng ta một phần, nhưng là phần vừa phải.

 

Việc biết rằng Chúa đang có toàn quyền và rằng sự tôn cao thật sự được ban cho tất cả những ai tuân giữ các lệnh truyền của Ngài chính là điều có thể giúp chúng ta mỉm cười và vui vẻ, ngày này qua ngày nọ, từ thử thách này đến thử thách kia. Chính sự hiểu biết này đã thúc giục sứ đồ Phao Lô thốt lên: “Tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy” (Phi Líp 4:11).

 

Thật biết ơn vô vàn cho Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi và niềm hy vọng cùng những cơ hội vĩnh cửu mà điều đó mang lại. Nhờ vậy, chúng ta có thể lạc quan, ngay cả trong thời kỳ hỗn loạn, khi biết rằng ngay chính những thử thách của chúng ta sẽ không bao giờ có thể tước đoạt số mệnh vĩnh cửu khỏi chúng ta.

 

— Tad R. Callister là một Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Trung Ương danh dự và là cựu chủ tịch trung ương trung ương Trường Chủ Nhật.

 

Copyright 2020 Deseret News Publishing Company