Chúa Dẫn Dắt Giáo Hội của Ngài qua Các Vị Tiên Tri và Sứ Đồ

Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn

Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Ghi chú của biên tập viên: Chủ Tịch Oaks giảng dạy rằng Đấng Cứu Rỗi tổ chức Giáo Hội của Ngài để giúp đỡ con cái của Thượng Đế xứng đáng cho sự tôn cao. Bài viết này tìm hiểu cách thức Chúa thực hiện mục đích đó thông qua các vị tiên tri và các vị sứ đồ được trao thẩm quyền để hành động trong danh của Ngài.

Chúa Dẫn Dắt Giáo Hội của Ngài qua Các Vị Tiên Tri và Sứ Đồ

Công việc của Chúa đòi hỏi một tổ chức được Chúa dẫn dắt thông qua các vị lãnh đạo mà Ngài đã chọn và ủy quyền, và là người mà Ngài hướng dẫn thực hiện các mục đích của Ngài. Lịch sử trong thánh thư cho thấy rằng những người lãnh đạo như vậy là một vị tiên tri hoặc các vị tiên tri và các vị sứ đồ. Đây là một mẫu mực trong nhiều năm giao ước của Y Sơ Ra Ên và trong thời trung thế (lúc Chúa sống trên thế gian), và nó tiếp tục trong Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chúa Dẫn Dắt Dân của Ngài thông qua một Tổ Chức

Mục đích của Cha Thiên Thượng của chúng ta là “mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu” cho các con trai và con gái của Ngài (Môi Se 1:39). Trong gian kỳ này, Ngài thực hiện điều này thông qua Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, là tổ chức có mục đích “giúp các cá nhân và gia đình hội đủ điều kiện cho sự tôn cao.” 1  

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley (1910–2008) đã dạy rằng: “Bộ ba trách nhiệm lớn lao và quan trọng được đặt lên Giáo Hội là: thứ nhất, mang phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đến với mọi người trên thế gian; thứ hai, áp dụng phúc âm đó vào cuộc sống của các tín hữu của Giáo Hội; và thứ ba, giúp những người đã đi qua phía bên kia bước màn của cái chết nhận được các phước lành của phúc âm thông qua việc thực hiện các giáo lễ thay cho họ.” 2

Trong thời đại của chúng ta, dường như nhiều người muốn có sự duy linh hoặc tôn giáo nhưng nghĩ rằng họ có thể có nó mà không cần bất kỳ tổ chức tôn giáo nào. Những người nghĩ rằng họ có thể đạt được điều này mà không cần một tổ chức chính thức là đã bỏ qua lịch sử được ghi lại rõ ràng về những gì Chúa Giê Su Ky Tô đã thiết lập để đảm bảo tính liên tục và hiệu quả của phúc âm và những lời giảng dạy của Ngài. Như Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nhắc nhở chúng ta trong một bài nói chuyện đáng chú ý tại đại hội trung ương năm năm trước: “Trong thời trung thế, Chúa Giê Su đã tổ chức công việc của Ngài theo một cách để phúc âm có thể được thiết lập cùng lúc ở nhiều quốc gia và giữa nhiều dân tộc khác nhau.” 3 Tổ chức đó gồm có Các Vị Sứ Đồ và những chức sắc khác đã được mô tả trong Kinh Tân Ước.

Tại sao một tổ chức là cần thiết để hoàn thành các mục đích của Chúa? Mặc dù Đấng Cứu Rỗi của chúng ta yêu thương và giúp đỡ từng cá nhân chúng ta, nhưng để hoàn thành mục đích của Ngài cho toàn thể con cái của Thượng Đế—đặc biệt là cho dân giao ước của Ngài—thì Ngài hành động thông qua một tổ chức do các vị tiên tri và các vị sứ đồ lãnh đạo.

Chỉ thông qua một tổ chức thì các cá nhân tín hữu, mà Sứ Đồ Phao Lô gọi là “thân của Đấng Ky Tô” (1 Cô Rinh Tô 12:27), mới có thể nhận được những cơ hội mà họ cần để đạt được sự tăng trưởng thuộc linh, vốn là mục đích của việc sáng tạo ra họ. Và chỉ có một tổ chức với những tài năng khác nhau và nhiều nỗ lực mới có thể đạt được những gì cần thiết để hoàn thành công việc của Chúa.

Những việc chỉ có thể được hoàn thành thông qua các nhóm tín đồ có tổ chức bao gồm những nỗ lực to lớn để giúp đỡ người nghèo, để rao truyền phúc âm trên toàn thế gian, xây dựng và duy trì các đền thờ. Vị Tiên Tri Joseph Smith nói rằng mục tiêu của Thượng Đế trong việc quy tụ dân của Ngài là “để xây dựng lên Chúa một ngôi nhà, nơi mà Ngài [có thể] biểu lộ … các giáo lễ trong nhà của Ngài và sự vinh quang trong vương quốc của Ngài, và giảng dạy mọi người con đường của sự cứu rỗi.” 4

Một tổ chức cũng được cần đến để làm tròn lệnh truyền của Chúa để “hiệp làm một; nếu các ngươi không hiệp làm một thì các ngươi không phải là của ta” (Giáo Lý và Giáo Ước 38:27). Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy rằng chúng ta không thể đạt được sự hiệp một đó—sự đoàn kết đó—khi là các cá nhân riêng rẽ. Ông nhận xét: “Chúng ta phải tìm kiếm nó và hội đủ điều kiện cho nó cùng với những người khác. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Chúa thúc giục chúng ta quy tụ lại để Ngài có thể ban phước cho chúng ta.”5

Từng cá nhân mỗi tín đồ cũng cần kinh nghiệm tôn giáo thông qua một tổ chức tôn giáo bởi vì chỉ có bằng cách này thì chúng ta mới có thể nhận được sự khiển trách hoặc uốn nắn vì tội lỗi và lỗi lầm từ những người có thẩm quyền. Sự trừng phạt đó là điều cần thiết cho sự tăng trưởng thuộc linh của chúng ta (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 136:31; 101:45; xin xem thêm Mô Si A 23:2122). Anh Cả Neal A. Maxwell (1926–2004) đã đưa ra một lý do khác để những người có tôn giáo hoặc thuộc linh nên được tổ chức lại: “Bởi vì lòng tốt ngẫu nhiên của các cá nhân là không đủ trong cuộc chiến chống lại cái ác.” 6

 

Đấng Ky Tô Sắc Phong Mười Hai Vị Sứ Đồ, tranh do Harry Anderson họa
Đấng Ky Tô Sắc Phong Mười Hai Vị Sứ Đồ, tranh do Harry Anderson họa

Giáo Hội Phục Hồi của Chúa Giê Su Ky Tô Được Các Vị Tiên Tri và Các Vị Sứ Đồ Quản Trị

Tổ chức của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô phải có những người lãnh đạo do Ngài chọn và trao thẩm quyền và quyền hạn để rao truyền ý muốn của Ngài cho dân của Ngài.

Đấng Cứu Rỗi đã dạy: “Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn ta, bèn là ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả, hầu cho trái các ngươi thường đậu luôn” (Giăng 15:16). Kinh Thánh viết rõ ràng về người chọn các tiên tri và sứ đồ. Trong Kinh Cựu Ước, điều này được cho thấy rõ trong những sự kêu gọi của Môi Se và Sa Mu Ên, và trong Kinh Tân Ước, nó được cho thấy trong các sự kêu gọi của Mười Hai Vị Sứ Đồ và Sứ Đồ Phao Lô (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 3; 1 Sa Mu Ên 3; Mác 3; Công Vụ Các Sứ Đồ 9). Những vị lãnh đạo này đã không tình nguyện xung phong, và họ không được các tín đồ chọn lựa.

Kinh Thánh cũng cho thấy rằng các vị lãnh đạo tôn giáo phải có thẩm quyền của chức tư tế của Thượng Đế, được truyền giao bởi một người đang nắm giữ thẩm quyền đó. Những mô tả trong Kinh Thánh về những sự kêu gọi và trao thẩm quyền của A Rôn, của các thành viên trong Mười Hai Vị Sứ Đồ, và của Các Thầy Bảy Mươi minh họa cho nguyên tắc này (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 28: 14: Mác 3:1415, Lu Ca 10: 1, 17). Thẩm quyền chức tư tế không đến từ việc đọc thánh thư hay mong muốn phục vụ. Và giáo lễ truyền giao chức tư tế đến từ những người đứng đầu Giáo Hội, và nó được biết đến công khai (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 42:11).

Trong Kinh Cựu Ước, những người lãnh đạo thuộc linh là các vị tiên tri. Họ được mô tả trong ba vai trò khác nhau. Một số người là những thánh nhân thực hiện chức năng tiên tri cho hậu thế của họ, như Áp Ra Ham. Một số người là các vị lãnh đạo thực thi quyền chính trị cũng như quyền năng tư tế, như Môi Se và Giô Suê. Đa số đã thực hiện vai trò tiên tri của họ không phụ thuộc vào chức vụ tộc trưởng hoặc chính trị, như Sa Mu ÊN và Ê Sai. Sách Mặc Môn có viết về ba chức vụ tiên tri giống như vậy, như Lê Hi (tộc trưởng), Vua Bên Gia Min (lãnh đạo chính trị) và An Ma Con (sau khi ông từ bỏ chức vụ trưởng phán quan) (xin xem 1 Nê Phi 12; Mô Si A 16; An Ma 45). Tuy nhiên, rõ ràng là tất cả các vị tiên tri đến trước Chúa Giê Su Ky Tô đã kêu gọi dân chúng hối cải, và, hầu hết họ đã tiên tri rằng Đấng Mê Si sẽ đến. 7

Chức phẩm Sứ Đồ được xác định đầu tiên trong Kinh Tân Ước, khi Đấng Cứu Rỗi kêu gọi các Vị Sứ Đồ trong lúc Ngài tiến hành giáo vụ của Ngài để rao truyền, báp têm và chữa lành. Sứ Đồ Phao Lô đã viết rằng Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô “được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà” (Ê Phê Sô 2:20). Chúa Giê Su cũng kêu gọi Các Thầy Bảy Mươi và cử họ đi phục sự (xem Lu Ca 10: 1, 17), và Ngài ủy thác quyền để kêu gọi các chức phẩm khác, như mục sư và giáo sư (xem Ê Phê Sô 4:11).

Chúa Dẫn Dắt Giáo Hội của Ngài qua Các Vị Tiên Tri và Sứ Đồ

Một chức năng vô cùng quan trọng của các Vị Sứ Đồ trong Giáo Hội mà Chúa Giê Su đã thiết lập là nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế. Khi Đấng Cứu Rỗi hứa với Sứ Đồ Phi E Rơ “chìa khóa nước thiên đàng,” Ngài đã mô tả đây là quyền năng mà “hễ điều gì mà ngươi buộc dưới đất, thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà ngươi mở dưới đất, thì cũng sẽ được mở ở trên trời” (Ma Thi Ơ 16:19). Nói cách khác, các chìa khóa đảm bảo ảnh hưởng của thiên thượng với các hành động được ủy thác bởi thẩm quyền chức tư tế trên thế gian. Các vị sứ đồ nắm giữ chìa khóa của chức tư tế có quyền và trách nhiệm chủ tọa và điều khiển các hoạt động của chức tư tế của Thượng Đế và Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trên thế gian.8  Điều này bao gồm việc thực hiện và giám sát các giáo lễ thiết yếu của phúc âm.

Là một phần trách nhiệm của họ, các vị tiên tri và các vị sứ đồ có bổn phận và ân tứ tiên tri để giảng dạy các lẽ thật của phúc âm và làm chứng với tư cách là “những nhân chứng đặc biệt cho tôn danh của Đấng Ky Tô trên khắp thế giới”(Giáo Lý và Giao Ước 107:23). Họ xác định lẽ thật và sự sai lạc, và phát ngôn với thẩm quyền “những lời phán của Chúa.”  Chủ Tịch J. Reuben Clark Jr. (1871-1961), Đệ Nhất Cố Vấn Trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã nói rằng các Vị Sứ Đồ “có quyền hạn, quyền năng và thẩm quyền để tuyên bố ý định và mong muốn của Thượng Đế với dân của Ngài, tuân theo quyền năng và thẩm quyền vượt bậc của Chủ Tịch Giáo Hội.”9

Là đầy tớ của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, các vị sứ đồ và các vị tiên tri giảng dạy và khuyên bảo theo sự chỉ dẫn của Đức Thánh Linh, không có mong muốn nào khác hơn là nói điều chân thật và khuyến khích tất cả mọi người đi theo con đường dẫn đến các phước lành của Thượng Đế, bao gồm đích đến cuối cùng của Ngài dành cho tất cả con cái của Ngài: cuộc sống vĩnh cửu, “ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 14:7). Tiếng nói của họ có thể tin cậy được.

Chủ Tịch M. Russell Ballard, Quyền Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã nói: “Trong thế giới ngày nay, nơi những biên tập viên trên truyền hình và đài phát thanh 24 giờ mỗi ngày đưa ra những ý kiến trái ngược nhau, nơi các nhà tiếp thị cạnh tranh mọi thứ từ tiền bạc đến phiếu bầu chọn của anh chị em, thì có một giọng nói rõ ràng, thanh khiết, không thiên vị mà anh chị em luôn có thể tin cậy. Và đó là tiếng nói của vị tiên tri và sứ đồ tại thế. Động lực duy nhất của họ là ‘sự an lạc vĩnh viễn của tâm hồn [anh chị em]’ (2 Nê Phi 2:30).” 10

Việc tiếp cận được những lời giảng dạy của các vị sứ đồ và các vị tiên tri là một phước lành và trách nhiệm lớn lao. Phước lành ở chỗ chúng ta đã có sẵn sự tiếp cận với những gì Chúa muốn chúng ta nghe. Trách nhiệm ở chỗ chính sự tiếp cận này với những lời giảng dạy của Chúa khiến chúng ta có trách nhiệm để nghe và chú ý đến những điều đó. Thật không may, một số tín đồ thất bại trong trách nhiệm này. Không có gì đáng ngạc nhiên, nhiều người trên thế giới bác bỏ sự thật rằng Thượng Đế ban cho các vị sứ đồ và các vị tiên tri thẩm quyền và sự soi dẫn để nói trong danh Ngài. Thậm chí nhiều người khác khước từ các vị tiên tri và các vị sứ đồ vì họ chối bỏ sự tồn tại của Thượng Đế hoặc sự tồn tại của đúng sai tuyệt đối.

May mắn thay, nhiều người chọn tin và tuân theo những lời dạy của các vị tiên tri. Họ nhận được các phước lành đã hứa. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giảng dạy điều này: “Mẫu mực của Thượng Đế đã được thiết lập từ lâu để giảng dạy các con cái của Ngài qua các vị tiên tri, bảo đảm với chúng ta rằng Ngài sẽ ban phước cho mỗi vị tiên tri và Ngài sẽ ban phước cho những người lưu tâm đến lời khuyên dạy của các vị tiên tri.” 11

 

Tranh minh họa Joseph và các Vị Sứ Đồ của Dan Burr
Tranh minh họa Joseph và các Vị Sứ Đồ của Dan Burr

Các Vị Tiên Tri và Sứ Đồ Hành Động qua Các Hội Đồng

Chúa dẫn dắt Giáo Hội của Ngài thông qua các vị tiên tri (nhiều vị) và các vị sứ đồ (nhiều vị), khi họ hành động qua các hội đồng. Có rất nhiều ví dụ minh họa về điều này.

Chúa kêu gọi một vị tiên tri để bắt đầu một gian kỳ mới. Sau đó, khi sự phục hồi mới đó phát triển và vững vàng, giáo lý và chính sách cho nhóm tín hữu được biểu lộ và giảng dạy thông qua một tổ chức do các vị sứ đồ và các vị tiên tri lãnh đạo. Do đó, khi Giáo Hội phục hồi phát triển và vững mạnh trong gian kỳ cuối cùng này, Chúa đã mặc khải rằng công việc quan trọng nhất và những tình huống khó khăn nhất phải được quyết định bởi một hội đồng của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Mười Hai Vị Sứ Đồ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:7879) . Theo đó, mọi quyết định “phải được toàn nhóm đó đồng thanh thỏa thuận” (Giáo Lý và Giao Ước 107:27). Nếu không, họ sẽ không “nhận được cùng những phước lành mà các quyết định của nhóm túc số ba vị chủ tịch thời xưa đã nhận được” (Giáo Lý và Giao Ước 107:29).

Tất cả những việc này cho thấy sự hướng dẫn của Chúa rằng Giáo Hội của Ngài phải được quản trị bởi những hội đồng của các vị sứ đồ và các vị tiên tri. Điều này bảo vệ và thúc đẩy sự hiệp nhất, là điều thiết yếu trong Giáo Hội của Chúa.

Chủ Tịch Joseph F. Smith (1838–1918) đã giảng dạy trong đại hội trung ương mà ông được tán trợ với tư cách là Chủ Tịch của Giáo Hội12: “Khi bắt đầu công việc này, Chúa đã mặc khải rằng cần có ba thầy tư tế thượng phẩm để chủ tọa Chức Tư Tế Thượng Phẩm của Giáo Hội của Ngài và toàn thể Giáo Hội.” Ông khẳng định tầm quan trọng của ba thầy tư tế thượng phẩm trong chủ tịch đoàn bằng cách nói rằng: “Việc chỉ có một người nam thực hành mọi thẩm quyền và quyền năng của chủ tịch đoàn trong Giáo Hội các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa giê Su Ky Tô là sai.” 13  Ông nói thêm: “Chúa không bao giờ có ý định rằng một người nên có mọi quyền năng, và vì lý do đó, Ngài đã đưa vào Giáo Hội của Ngài các chủ tịch, các sứ đồ, các thầy tư tế thượng phẩm, các thầy bảy mươi, [v.v.]. 14

Tài liệu tham khảo về việc có nhiều các vị tiên tri và các vị sứ đồ, cũng nổi bật trong lời giảng dạy quen thuộc này của Chủ Tịch Joseph Fielding Smith (1876-1972): “Có một điều mà chúng ta nên cực kỳ rõ ràng trong tâm trí. Sẽ không bao giờ có chuyện Chủ Tịch của Giáo Hội, hay Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, hay tiếng nói thống nhất của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai dẫn dắt các Thánh Hữu đi lạc đường hoặc gửi lời khuyên bảo đến thế gian trái với ý định và mong muốn của Chúa.”15

Để trở thành giáo lý chính thức của Giáo Hội Chúa Giê Su Ky Tô, những lời giảng dạy của cá nhân các vị sứ đồ và ngay cả các vị tiên tri cần phải được xác nhận thông qua quy trình chấp thuận của các vị sứ đồ và các vị tiên tri khác. Điều này được minh họa trong Kinh Thánh qua hành động chấp thuận của Các Sứ Đồ khi Phi E Rơ báo cáo sự mặc khải của mình để rao truyền phúc âm cho dân ngoại (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 11:1, 18). Tương tự như vậy, khi sự tranh cãi về sự cần thiết của phép cắt bì được đưa đến các Vị Sứ Đồ, Phi E Rơ đã nhắc nhở họ về tầm quan trọng của sự mặc khải mà ông đã nhận được, và sau đó hội đồng đã chấp thuận và giải quyết sự tranh cãi bằng một thư xác nhận gửi đến Giáo Hội (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 15) .

Tương tự như vậy, trong Giáo Hội phục hồi, giáo lý không được công nhận cho đến khi toàn thể tín hữu Giáo Hội tiếp nhận giáo lý đó theo luật ưng thuận chung (xem Giáo Lý và Giao Ước 26:2, 28:13). Nguyên tắc đó đã được tiết lộ vào năm 1830 và đã được áp dụng kể từ thời điểm đó. 16 Tuy không được tuân theo bởi các giáo hội tồn tại trong thời kỳ chúng ta gọi là Sự Bội Giáo, nhưng thủ tục này giúp bảo vệ các lẽ thật phúc âm để không bị thay đổi hoặc bị ảnh hưởng bởi ý tưởng riêng hoặc ý kiến cá nhân.

Cuối cùng, sự thống nhất thiết yếu về giáo lý giữa các vị lãnh đạo khác nhau được duy trì bởi quy tắc lâu đời rằng các câu hỏi được gửi đến mỗi Vị Sứ Đồ hoặc các vị thẩm quyền khác về giáo lý hoặc chính sách mà không được xác định rõ ràng trong thánh thư hoặc các sách hướng dẫn sẽ được trình lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 124:126). 17

Các Vị Tiên Tri và Các Vị Sứ Đồ Làm Chứng về Chúa Giê Su Ky Tô

Trong giáo vụ của mình, Tiên Tri Joseph Smith đã giảng dạy điều này: “Giống như Thượng Đế trị vì Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp là những gia đình, và con cái Israel là một quốc gia; vì vậy chúng ta, với tư cách là một Giáo Hội, phải ở dưới sự hướng dẫn của Ngài nếu chúng ta muốn được thịnh vượng, được gìn giữ và duy trì.” 18

Bài viết này đã mô tả cách Chúa đã thực hiện công việc của Ngài qua các thời đại và cách thức mà mẫu mực và thủ tục này được tiếp tục thực hiện trong thời đại của chúng ta. Như sứ đồ Phi E Rơ đã dạy “hết thảy các đấng tiên tri” đều “làm chứng” về Đấng Ky Tô (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:43). Vào thời đại của chúng ta, Chúa tiếp tục thực hiện công việc của Ngài thông qua các vị tiên tri và các vị sứ đồ là những người được trao thẩm quyền hành động trong danh của Ngài để làm công việc của Ngài và mang lại cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.